|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed đã tung ra những vũ khí nào để chống lại đại dịch COVID-19?

12:41 | 27/03/2020
Chia sẻ
Fed đã thực hiện đồng thời một loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19.
Fed đã tung ra những vũ khí nào để chống lại đại dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. (Ảnh: TTXVN)

Theo Bloomberg, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện một loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19 đối với thị trường tài chính toàn cầu và nền kinh tế Mỹ.

Bắt đầu với việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp được công bố ngày 3/3, Fed đã vượt qua giới hạn của cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 và tiến vào "vùng đất" chưa được khám phá của chính sách tiền tệ.

Các biện pháp bao gồm mua vào một lượng trái phiếu khổng lồ, phối hợp hành động với các ngân hàng trung ương khác để nới lỏng nguồn cung USD trên toàn thế giới và triển khai một loạt chương trình cho vay trực tiếp đối với các doanh nghiệp trong nước.

Cắt giảm lãi suất

Sau khi cắt giảm một nửa điểm vào ngày 3/3, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã tổ chức một cuộc họp đột xuất vào ngày 15/3 và hạ phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang chuẩn xuống 0 -0,25%, tương đương mức áp dụng tại cuộc khủng hoảng tài chính. 

Đồng thời, FOMC cũng cam kết sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến khi nền kinh tế đạt được mục tiêu việc làm tối đa và lạm phát ổn định.

Nới lỏng qui định ngân hàng

Từ ngày 9/3, Fed bắt đầu cung cấp cho các ngân hàng hướng dẫn về qui định mới được thiết kế để giúp họ có thể cho vay doanh nghiệp và hộ gia đình nhiều hơn. Theo đó, các yêu cầu về vốn và thanh khoản được hạ xuống thấp hơn, loại bỏ các yêu cầu về dự trữ; …

Mở rộng các giao dịch hoán đổi

Sau 3 ngày triển khai việc nới lỏng qui định ngân hàng, Chi nhánh Fed tại New York bắt đầu cung cấp thanh khoản bổ sung cho thị trường cho vay ngắn hạn. 

Theo đó, Fed hiện đang cung cấp 1.000 tỉ USD mỗi ngày trong các thỏa thuận repo qua đêm và lên kế hoạch khoảng 4.000 tỉ USD cho các kì hạn repo trong chương trình hỗ trợ thanh khoản dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 13/4.

Nới lỏng định lượng (QE)

Vào ngày 12/3, ngân hàng trung ương Mỹ đã quay trở lại mua trái phiếu kho bạc một cách rộng rãi, sử dụng 60 tỉ USD mỗi tháng để mua trái phiếu Kho bạc nhằm gia tăng dự trữ của các ngân hàng. Các giao dịch mua trái phiếu đã được mở rộng mạnh mẽ vào ngày 15/3 lên ít nhất 500 tỉ USD đối với trái phiếu kho bạc và 200 tỉ USD đối với các loại chứng khoán có thế chấp.

Sau đó, vào ngày 23/3, FOMC tuyên bố chính sách QE không giới hạn, đồng ý mua tài sản với số lượng cần thiết để hỗ trợ hoạt động thông suốt của thị trường. Họ cũng đã thêm trái phiếu được đảm bảo bằng nợ thế chấp (MBS) vào danh sách mua.

Hoán đổi tiền tệ

Bên cạnh các chính sách trong nước, Fed cũng đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng trung ương nước ngoài cho phép hoán đổi tiền tệ, bằng cách này USD sẽ dễ dàng bơm ra khắp thế giới giúp tăng khả năng tiếp cận với loại tiền tệ quan trọng bậc nhất này.

Vào ngày 15/3 và 20/3, Fed đã tăng cường các giao dịch hoán đổi tiền tệ hiện có với 5 ngân hàng trung ương lớn, bao gồm ECB, BoJ và BoE. Tiếp đó, vào ngày 19/3, Fed đã tạo thêm các giao dịch hoán đổi tạm thời mới với 9 ngân hàng trung ương bổ sung, bao gồm cả ngân hàng trung ương ở Brazil, Hàn Quốc, Mexico và Thụy Điển.

Quĩ thương phiếu (CPFF)

Ngày 17/3, Fed công bố một quĩ khẩn cấp mua các thương phiếu được đánh giá cao, được bảo đảm bằng tài sản từ các doanh nghiệp và đơn vị phát hành của Mỹ. Tổng số chứng khoán đủ điều kiện mua là hơn 1.000 tỉ USD. Chương trình này Bộ Tài chính Mỹ hỗ trợ 10 tỉ USD.

Quĩ tín dụng đại lí (PDCF)

Hoạt động từ ngày 20/3, quĩ khẩn cấp này thực hiện mua một loạt chứng khoán, bao gồm trái phiếu của các doanh nghiệp chất lượng cao, trái phiếu địa phương và chứng khoán có thế chấp thông qua các đại lí chính - các ngân hàng lớn và đại lí môi giới được phép giao dịch.

Quĩ hỗ trợ thanh khoản thị trường tiền tệ (MMFLF)

Hoạt động vào ngày 23/3, quĩ khẩn cấp này tài trợ cho việc mua tài sản chất lượng cao từ các quĩ tương hỗ trên thị trường tiền tệ Mỹ. Các tài sản nằm trong danh sách mua bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu thương mại và trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành.

Theo Bloomberg, các chứng khoán nợ đủ điều kiện được mua ước tính từ 600 tỉ đến 700 tỉ đô la và theo các quan chức Fed, Bộ Tài chính đã ủng hộ 10 tỉ USD cho quĩ này.

Quĩ mua trái doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp (PMCCF)

Được công bố vào ngày 23/3, quĩ khẩn cấp này sẽ mua trực tiếp trái phiếu của các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm từ đơn vị phát hành. Fed không công bố qui mô trái phiếu mua vào nhưng cho biết Bộ Tài chính ủng hộ 10 tỉ USD cho hoạt động này.

Quĩ mua trái doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp (SMCCF)

Được công bố vào ngày 23/3, quĩ khẩn cấp này sẽ mua trái phiếu của các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao trên thị trường thứ cấp và thông qua các quĩ ETF. Fed không công bố về qui mô chương trình nhưng tiết lộ Bộ Tài chính đã ủng hộ 10 tỉ USD cho quĩ này.

Quĩ mua chứng khoán được đảm bảo bởi các khoản cho vay có kì hạn (TALF)

Được công bố vào ngày 23/3, quĩ khẩn cấp này sẽ sử dụng 100 tỉ USD để mua chứng khoán được đảm bảo bởi các khoản vay sinh viên, cho vay mua ô tô, cho vay thẻ tín dụng, các khoản vay được đảm bảo bởi Cơ quan quản lí doanh nghiệp nhỏ và một số tài sản khác. Quĩ này cũng được hỗ trợ 10 tỉ USD từ Bộ Tài chính.

Quốc Thụy

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.