Những tín hiệu cảnh báo về kinh tế Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây đã tự tin tuyên bố thế giới đang bước vào "kỷ nguyên của Ấn Độ". Với tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu dân số thuận lợi và sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ mới nổi đã đưa nền kinh tế Ấn Độ vào vị thế đáng mơ ước. Nhưng liệu thực tế có đơn giản như vậy?
Số liệu kinh tế mới nhất của Ấn Độ cho thấy một bức tranh kém sáng hơn. Tăng trưởng GDP quý II/2023 chỉ đạt 6,7%, thấp nhất trong hơn một năm qua. Chỉ số theo dõi sản lượng của tám ngành công nghiệp cốt lõi như than đá, dầu mỏ và điện, đã giảm trong tháng 8/2024 và là lần giảm đầu tiên trong hơn ba năm.
Doanh số bán ô tô trong tháng 9/2024, một chỉ số tiêu dùng quan trọng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng nguồn thu từ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), một chỉ báo khác về sức khỏe kinh tế, cũng chạm mức thấp nhất trong hơn ba năm.
Ngay cả thị trường chứng khoán Ấn Độ, vốn tăng trưởng nóng thời gian qua, cũng chứng kiến 6 phiên giảm điểm liên tiếp.
Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu xung đột ở Trung Đông leo thang và giá dầu tiếp tục tăng. Hơn 85% lượng dầu tiêu thụ của Ấn Độ được nhập khẩu, khiến nước này dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc giá dầu.
Ước tính rằng, giá mỗi thùng dầu tăng thêm 10 USD có thể làm giảm GDP của Ấn Độ giảm 0,4 điểm phần trăm. Tăng trợ cấp nhiên liệu sẽ khiến chính phủ phải cắt giảm chi tiêu ở các lĩnh vực khác.
Bộ Tài chính Ấn Độ gọi đây là “dấu hiệu căng thẳng ban đầu”. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn tin rằng đây chỉ là những biến động tạm thời.
Tại cuộc họp tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI tức ngân hàng trung ương) quyết định giữ nguyên lãi suất và dự báo tăng trưởng cho năm tài chính hiện tại ở mức 7,2%. Thống đốc RBI khẳng định “câu chuyện tăng trưởng của Ấn Độ vẫn nguyên vẹn”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy. Đảng Quốc đại, phe đối lập chính của Chính phủ đương nhiệm tại Ấn Độ, chỉ trích Chính phủ đang quá lạc quan về thành tích kinh tế, đồng thời cảnh báo về ba “đám mây đen” bao phủ nền kinh tế: đầu tư tư nhân yếu kém, sản xuất trì trệ và mức lương thực tế giảm.
Điều đáng lo ngại nhất với ông Modi là tình hình của ngành sản xuất - trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông nhiệm kỳ thứ ba. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp Ấn Độ đang chậm lại.
Chỉ số theo dõi hoạt động sản xuất trong tháng 9/2024 tăng với tốc độ chậm nhất trong tám tháng. Vụ đình công kéo dài hai tháng qua tại nhà máy Samsung ở Tamil Nadu “giáng” một đòn mạnh vào tham vọng biến Ấn Độ thành trung tâm điện tử của ông Modi.
Bài toán việc làm cũng nan giải không kém. Dữ liệu cho thấy 46% lực lượng lao động Ấn Độ đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng từ 43% so với 5 năm trước.
Cùng giai đoạn đó, tỷ lệ lao động trong ngành sản xuất giảm từ 12% xuống 11%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 7,8% suốt hai năm qua, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng.
Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng khắc phục tình trạng này. Trong ngân sách đầu năm nay, Chính phủ đã mạnh tay chi tiêu cho các chương trình mới, như chương trình học nghề, và mở rộng các chương trình hiện có. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng cần có nhiều biện pháp hơn nữa.
Theo nhà kinh tế Abhishek Anand tại Viện Nghiên cứu Phát triển Madras ở Chennai, quá nhiều khoản trợ cấp của Chính phủ đang tập trung vào các ngành thâm dụng vốn thay vì các ngành thâm dụng lao động. Các nhà hoạch định chính sách cũng nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.
Có thể thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế Ấn Độ vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Liệu "chú hổ" châu Á có thể bứt phá hay sẽ "ngủ quên" trên chiến thắng? Câu trả lời vẫn đang ở phía trước.