|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Gã khổng lồ’ đóng tàu Nhật Bản sẽ sản xuất cần cẩu tại Việt Nam để hưởng lợi thương chiến Mỹ - Trung

15:26 | 21/12/2024
Chia sẻ
Lo ngại về an ninh và sự chuyển dịch khỏi sản phẩm Trung Quốc đang tạo cơ hội lớn cho Mitsui E&S mở rộng thị phần và tăng trưởng.

Công ty kỹ thuật Nhật Bản Mitsui E&S - một trong những tên tuổi trong ngành đóng tàu, sẽ bắt đầu sản xuất cần cẩu tại Việt Nam, tận dụng nhu cầu gia tăng khi căng thẳng Mỹ-Trung khiến nhiều doanh nghiệp chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á, theo Nikkei Asia.

Mitsui E&S sẽ hợp tác với một công ty Việt Nam chuyên sản xuất kết cấu thép. Dự kiến, trong vòng 2-3 năm tới, họ sẽ cung cấp khoảng 30 cần cẩu mỗi năm. Việc sản xuất sẽ do đối tác Việt Nam thực hiện.

Nhu cầu cần cẩu cảng đang tăng mạnh khi các nhà sản xuất chuyển dịch cơ sở từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Điều này làm khối lượng thương mại trong khu vực tăng lên, kéo theo đầu tư vào các cảng biển.

Cần cẩu do Mitsui E&S sản xuất. (Ảnh: Mitsui E&S).

Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, Việt Nam xếp thứ 7 thế giới về lưu lượng container qua cảng trong năm 2022, tăng vượt bậc so với vị trí thứ 20 năm 2010. Malaysia đứng thứ 5 trong cùng năm.

Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục khi Mỹ áp thuế cao hơn với hàng hóa từ Trung Quốc. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, Mitsui E&S đã nhận được 48 đơn đặt hàng cần cẩu từ Malaysia và 24 từ Việt Nam.

Hiện tại, Mitsui E&S chủ yếu sản xuất cần cẩu cảng tại nhà máy ở tỉnh Oita, miền nam Nhật Bản. Dù đã áp dụng tự động hóa, nhà máy này khó có thể đáp ứng kịp nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng nếu hoạt động riêng lẻ.

Một yếu tố khác thúc đẩy nhu cầu là sự chuyển dịch khỏi việc sử dụng cần cẩu sản xuất tại Trung Quốc. Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể thu thập dữ liệu về vận chuyển và giao nhận hàng hóa thông qua hệ thống quản lý logistics LOGINK. 

Tháng 2, Mỹ đã công bố các biện pháp tăng cường an ninh mạng tại các cảng và dự định đầu tư hơn 20 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng cảng trong 5 năm tới để giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm của Trung Quốc.

Shanghai Zhenhua Heavy Industries (ZPMC) của Trung Quốc hiện đang thống trị thị trường cần cẩu cảng toàn cầu. Tuy nhiên, sự chuyển dịch khỏi các sản phẩm Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế lớn cho Mitsui E&S.

Tại Mỹ, Mitsui E&S đang xem xét sản xuất nội địa thông qua công ty con Paceco, hợp tác với một công ty đầu tư từ Canada.

Hoạt động kinh doanh hệ thống logistics của Mitsui E&S, bao gồm cần cẩu container, đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đơn đặt hàng tăng 43% lên mức kỷ lục 70,5 tỷ yen (447 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Doanh thu cũng đạt kỷ lục mới, tăng 14% lên 47,6 tỷ yen.

Đức Huy