Giáo dục cản trở giấc mơ siêu cường của Ấn Độ, người dân có thể chưa kịp giàu đã già
Ấn Độ đã bắt đầu cuộc bầu cử lớn nhất trong lịch sử nhân loại vào ngày 19/4. Thủ tướng Narendra Modi đang được công chúng ưu ái, nhưng ai thắng cũng sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn trong tương lai.
Ấn Độ đang cần gấp việc làm cho hàng triệu thanh niên, nhưng hệ thống giáo dục của quốc gia tỷ dân này lại không đào tạo được những nhân sự mà thị trường việc làm cần, theo Wall Street Journal.
Nếu New Delhi không giải quyết được bài toán đó, tham vọng trở thành “công xưởng thế giới” tiếp theo để cạnh tranh với Trung Quốc của Ấn Độ có thể tan vỡ trước khi mọi thứ thực sự bắt đầu.
Các nhà kinh tế cho rằng Ấn Độ có thể rút ra một vài bài học từ sự bùng nổ của lĩnh vực phần mềm vào những năm 2000.
Ngành công nghệ thông tin nổi tiếng của Ấn Độ đã xuất sắc đào tạo ra những sinh viên giỏi công nghệ phần mềm và các lĩnh vực liên quan bằng cách hợp tác với các trường đại học để xây dựng khoá học phù hợp.
Hiện tại, ngành công nghệ thông tin đang sử dụng hơn 5 triệu lao động. Tuy nhiên, con số này vẫn quá nhỏ khi so với quy mô lực lượng lao động của Ấn Độ.
Theo số liệu của Morgan Stanley, mỗi năm Ấn Độ sẽ tiếp nhận thêm khoảng 10 triệu người mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trường nghề và các loại hình giáo dục sau phổ thông khác.
Mặt khác, New Delhi đang cố gắng phát triển kinh tế với trọng tâm là lĩnh vực sản xuất. Doanh nghiệp trong nước nhận vốn đầu tư từ các đối tác của Apple như Foxconn và trong tương lai có thể là từ Tesla.
Trong bối cảnh này, những sinh viên mới ra trường đó chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Theo dữ liệu của chính phủ, tính đến giữa năm 2023, chỉ 3,8% tổng lực lượng lao động của Ấn Độ đã qua đào tạo nghề chính thức.
Số liệu từ nền tảng CEIC cho thấy Ấn Độ đạt điểm cao về các chỉ số cơ bản khi khoảng 96% thanh niên nước này có thể đọc viết. Và theo Morgan Stanley, khoảng 3/4 lực lượng lao động đã có bằng phổ thông.
Song, đào sâu hơn vào các số liệu, đặc biệt là đối với giáo dục sau phổ thông, lại gây quan ngại. Báo cáo kỹ năng năm 2023 do Wheebox hợp tác với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ và các tổ chức khác thực hiện chỉ ra kết quả không khả quan.
Kết quả cho thấy “khả năng tìm được việc làm” ở những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp chỉ cải thiện một cách khiêm tốn - tăng từ mức 46,2% năm 2021 lên 50,3% vào năm 2022.
Khảo sát của Wheebox đo lường các bộ kỹ năng cơ bản như năng lực tính toán và tiếng Anh. Theo Morgan Stanley, chỉ có 28% và 34% sinh viên tốt nghiệp trường bách khoa và công nghệ có việc làm vào năm 2023.
Điều này báo hiệu một tương lai không mấy sáng sủa cho tham vọng trở thành cường quốc sản xuất của Ấn Độ, trừ khi nước này nhanh chóng thay đổi.
Các khoản trợ cấp hào phóng cho lĩnh vực nông nghiệp cũng làm tăng nhu cầu đối với lao động nông nghiệp nhưng không thực chất.
Nói cách khác, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không có những kỹ năng cần thiết, trong khi nhiều lao động trẻ có trình độ học vấn thấp hơn lại muốn ở lại nông thôn.
Theo báo cáo việc làm Ấn Độ năm 2024 của Tổ chức Lao động Quốc tế, gần 83% người Ấn Độ thất nghiệp là thanh niên.
Wall Street Journal nhận định, tăng cường ngân sách cho giáo dục và phát triển kỹ năng, cũng như tạo mối liên kết tốt hơn giữa người lao động và các ngành nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề sẽ giúp ích cho Ấn Độ. New Delhi hiện chi chưa đến 3% GDP cho giáo dục.
Và trong khi Ấn Độ đã triển khai một số chính sách để thu hút khu vực tư nhân, hoạt động đào tạo kỹ năng cho người lao động vẫn chủ yếu do chính phủ thúc đẩy. Tình trạng lệ thuộc này ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng và chất lượng ứng viên được đào tạo.
Ấn Độ không có nhiều thời gian để giải quyết những vấn đề nói trên. Tự động hoá ở nhà máy đang ngày càng trở nên phức tạp và tỷ lệ sinh đang giảm dần, điều này sắp bắt đầu làm giảm lợi tức nhân khẩu học của nước này.
Trung Quốc đã già đi trước khi người dân kịp giàu có, ngay cả khi nước này vừa trải qua một trong những đợt bùng nổ kinh tế ngoạn mục nhất trong lịch sử. Ấn Độ còn nhiều việc phải làm để tránh số phận tương tự.