Phó thủ tướng: Tinh gọn bộ máy phải tránh người tài xin nghỉ, người dở ở lại
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành nội vụ sáng 21/12, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết số người bị ảnh hưởng khi sắp xếp bộ máy lần này rất đông, khoảng 100.000 người. Nếu đề xuất của Bộ Nội vụ về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng được Bộ Chính trị thông qua thì ông "rất yên tâm", bởi đây là những chính sách đặc thù, vượt trội để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng cần tiếp tục suy nghĩ giải pháp để thu hút, giữ chân, đào tạo, đãi ngộ người tài. Ngành nội vụ cần tham mưu chính sách đánh giá cán bộ để sử dụng cho đúng. "Làm sao phải loại bỏ được người lười biếng trong bộ máy và thu hút người tài cho nền hành chính công. Khi thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy cũng cần thực hiện cuộc cách mạng về công tác cán bộ", Phó thủ tướng nói.
Nhắc lại lời Tổng Bí thư Tô Lâm "không để cơ quan nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém", ông Bình nhấn mạnh khi tinh gọn bộ máy cần tránh tình trạng "người tài xin nghỉ, người dở ở lại". Các cơ quan phải kết hợp tinh gọn bộ máy với xốc lại đội hình, giữ lại cán bộ tinh hoa, tâm huyết, có kinh nghiệm, bản lĩnh. Đây là bài toán rất khó "nhưng phải cố gắng làm".
Phó thủ tướng phân tích bộ máy tinh gọn, khoa học, hợp lý nhưng hiệu lực, hiệu quả vẫn do con người quyết định. Đơn cử, nếu hai phòng nhập lại mà hai trưởng phòng đều dở thì phòng mới sẽ dở, còn một người dở, một người giỏi thì phải giữ được người giỏi ở phòng mới. "Đảng, Nhà nước và nhân dân đang trông đợi chúng ta có đột phá về công tác cán bộ", ông nói.
Theo ông, trong tuần tới, sau khi Bộ Chính trị có kết luận, các cơ quan Đảng sẽ gương mẫu thực hiện tinh gọn trước. Khối Chính phủ và Quốc hội, ngoài hợp nhất các bộ, ủy ban, cơ quan, tất cả các đơn vị phải tinh gọn bên trong, tối thiểu 15-20% đầu mối, cá biệt có nơi giảm 40%. Ví dụ như Vụ Nghiên cứu Bắc Âu, Đông Âu, châu Á, châu Mỹ... có thể gộp thành Vụ Nghiên cứu quốc tế. Các viện nghiên cứu về chiến lược, quản lý kinh tế cũng cần gộp thành một đơn vị.
Cùng với chính sách vượt trội hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ sớm, Phó thủ tướng lưu ý phải hình thành hạ tầng pháp lý cho bộ máy mới đi vào hoạt động. Thể chế của bộ máy mới cần làm nền tảng cho sự bứt phá, tăng trưởng trong tương lai và khắc phục những bất cập đã được nhìn thấy. Quan điểm là "bỏ tư duy không quản được thì cấm".
Quá trình tinh gọn bộ máy, các cơ quan, địa phương cần lường hết rủi ro có thể xảy ra như sáp nhập cơ học hoặc không hợp lý; chấp nhận vừa làm vừa điều chỉnh, không thể hoàn hảo ngay "nhưng cần hạn chế tối đa các rủi ro". Bộ máy của nền hành chính công sau tinh gọn cần được vận hành liên tục phục vụ người dân, doanh nghiệp chứ không thể bị đứt quãng.
Tại hội nghị, Vụ trưởng Tổ chức - Biên chế Vũ Hải Nam cho biết các bộ ngành đang đẩy nhanh tiến độ tinh gọn. Nhóm bộ ngành thuộc diện hợp nhất phải đồng thời xây dựng dự thảo nghị định về cơ cấu, chức năng nhiệm vụ của bộ mới trước ngày 15/2.
Nhóm bộ ngành không phải hợp nhất hoặc chỉ tiếp nhận chức năng nhiệm vụ từ đơn vị khác cần sớm xây dựng dự thảo nghị định cơ cấu tổ chức, hoàn thành trước 15/1. Theo ông Nam, 11 bộ có thể trình Chính phủ ban hành nghị định về cơ cấu tổ chức ngay. Các bộ ngành không hợp nhất sẽ giảm 15-20% đầu mối bên trong.
"Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện nghị quyết 18 ban hành hướng dẫn các địa phương sắp xếp cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện", ông Nam nói, đề nghị các địa phương hoàn thiện phương án sắp xếp, để khi Quốc hội thông qua cơ cấu Chính phủ khóa 15 có thể kiện toàn ngay cơ quan chuyên môn.