Những thất bại công nghệ đáng chú ý nhất năm 2021
Đối với nhiều người, năm 2021 là sự đan xen giữa hy vọng và thách thức, khi vắc xin COVID-19 được phổ biến rộng rãi hơn nhưng đại dịch vẫn còn kéo dài. Trong khi công nghệ tiếp tục giúp chúng ta giải trí và kết nối trong thời kỳ đại dịch, nó cũng có thể tạo ra những sai lầm và tai tiếng – như trường hợp của Facebook.
Dưới đây là danh sách của CNN Business về một số thất bại công nghệ đáng chú ý nhất của năm 2021:
Facebook và LinkedIn bị rò rỉ dữ liệu lớn
Vào tháng 4, các chuyên gia an ninh mạng cho biết thông tin cá nhân của nửa tỷ người dùng Facebook, bao gồm số điện thoại, ngày sinh và địa chỉ email đã bị đăng tải lên một trang web bán cho tin tặc.
Facebook cho biết vào thời điểm đó, những dự liệu bị lộ đều bị xem là "tác nhân độc hại" thu thập từ nhiều người dùng từ năm 2019 và vấn đề đã được xử lý từ năm đó. Lời giải thích này không thuyết phục được vì cho thấy, khi các công ty công nghệ thu thập lượng lớn dữ liệu cá nhân sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng thế nào.
Cũng trong tháng 4, LinkedIn xác nhận rằng các chi tiết công khai có sẵn từ khoảng 500 triệu hồ sơ người dùng của nó đã được rao bán trên một trang web của hacker. Linkedin thì giải thích rằng cơ sở dữ liệu rao bán "thực sự là một tập hợp dữ liệu từ một số trang web và công ty ngoài". Nói cách khác, LinkedIn phủ nhận trách nhiệm của họ.
Ứng dụng cảnh báo tội phạm Citizen xác định nhầm danh tính
Citizen là một công ty startup công nghệ ở Mỹ phát triển ứng dụng gửi cảnh báo tội phạm theo thời gian thực. Tuy nhiên, công ty công nghệ này đã có một sai lầm "chết người" vào tháng 5 khi mà đưa ra phần thưởng 30.000 USD cho ai giúp tìm ra kẻ gây ra vụ cháy rừng ở Los Angeles. Những lời khuyên được đưa ra, thông tin cập nhật theo đó khiến cảnh sát Mỹ bắt giữ một nghi phạm nhưng thực tế, đó chỉ là nhầm lẫn.
Công ty đã sử dụng một sản phẩm mới trong ứng dụng của mình có tên là OnAir để phát thông tin về nghi phạm, nhưng cho biết họ không tuân theo các quy trình xác minh của riêng mình trước khi lưu hành thông tin. Sai lầm này đã khiến danh tiếng của Citizen trong thế giới công nghệ bị ảnh hưởng đáng kể.
Tấn công mã độc tống tiền trở thành rắc rối lớn
Năm nay, các cuộc tấn công ransomware (còn được gọi là mã độc tống tiền) - trong đó tin tặc giành được quyền truy cập vào hệ thống máy tính và coi dữ liệu của doanh nghiệp là "con tin" để tống tiền – đã tăng mạnh, trở thành vấn đề công nghệ gây nhức nhối. Cuộc tấn công lớn vào tháng 5 đã cho cả thế giới thấy được điểm yếu của hạ tầng công nghệ thông tin của Mỹ là dễ tấn công, dễ bị tổn thương.
Một trong những đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất ở Mỹ, Colonial Pipeline đã buộc phải tạm dừng hoạt động khi mạng của họ bị tin tặc tấn công. CEO của Colonial Pipeline sau đó thừa nhận đã trả 4,4 triệu USD tiền chuộc để mạng của công ty hoạt động trở lại. Vào tháng 6, các nhà điều tra Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đã thu hồi được 2,3 triệu USD tiền điện tử được trả cho các tin tặc đứng sau vụ tấn công Colonial Pipeline.
Ngày tồi tệ của Facebook
Thứ Hai, ngày 4/10 được coi là ngày tồi tệ với Facebook (hiện đã đổi tên thành Meta). Đêm trước đó, người tố giác Facebook Frances Haugen đã tiết lộ danh tính của cô trên chương trình "60 Minutes", tuyên bố rằng công ty biết mạng xã hội của họ được sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch và bạo lực nhưng vẫn duy trì hoạt động vì lợi nhuận.
Haugen trước đây cũng là nguồn tin giấu tên đã làm rò rỉ hàng nghìn trang tài liệu nội bộ của Facebook cho The Wall Street Journal dẫn đến một loạt câu chuyện được gọi là The Facebook Files bắt đầu từ tháng 9.
Sau đó, vào ngày 4/10, sự cố ngừng hoạt động đã khiến Facebook, WhatApp và Instagram đóng cửa trong nhiều giờ, mà nguyên nhân là do "thay đổi cấu hình". Cổ phiếu của công ty công nghệ này đã sụt giảm trong tất cả các giao dịch khi ban quản lý phải đối mặt với các vấn đề khó khăn về sự cố ngừng hoạt động và những lời tiết lộ gây chấn động của Haugen. Thậm chí sau đó, Haugen cũng được chuẩn bị để tham gia phiên điều trần vào ngày hôm sau trước các thành viên của Quốc hội Mỹ
Vào cuối tháng 10, một tập đoàn gồm 17 tổ chức tin tức của Mỹ bắt đầu xuất bản các câu chuyện của riêng họ dựa trên những tài liệu được gửi cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) mà các cố vấn pháp lý của Haugen đã cung cấp cho Quốc hội dưới dạng biên tập lại. Những câu chuyện này bao gồm chi tiết về cách các nhóm tội phạm sử dụng Facebook để kích động bạo lực và cách những kẻ buôn người sử dụng mạng xã hội.
Từ đó đến nay, Facebook đã nhiều lần cố gắng hạ uy tín của Haugen, đồng thời cho biết lời khai và báo cáo của cô làm sai lệch các nhận định và đánh giá khách quan về công ty.
Phần mềm lái xe tự hành Tesla là "thảm họa"
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk từ lâu đã chào hàng về phần mềm "lái xe tự hành hoàn toàn" của công ty xe điện hàng đầu thế giới nay. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, phần mềm của công ty vẫn chưa hoàn toàn tự động - đúng hơn, nó cung cấp các tính năng hỗ trợ người lái yêu cầu người dùng đồng ý rằng họ phải luôn tỉnh táo trong trường hợp cần điều khiển.
Thực tế, một số ít tài xế Tesla đã đăng ký dùng thử tính năng này với giá 10.000 USD/ người để truy cập vào bản beta của tính năng lái xe tự hành. Kết quả là những thảm họa đã xảy ra.
Chiếc Tesla Model 3 chạy thử trên đường phố New York vào tháng 11 ghi nhận thực tế, phần mềm tự động đã cố gắng lái chiếc xe đâm vào một chiếc xe tải UPS để tránh người đi xe đạp, chuyển sang lái xe ở phía bên trái của con đường, và gần như đụng phải hàng rào cũng như tồn tại một loạt các vấn đề công nghệ khác.