|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những thăng trầm của FLC Faros trong ba năm ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch

16:57 | 10/04/2020
Chia sẻ
Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT vào tháng 5/2017 đến khi từ nhiệm ngày 7/4/2020, FLC Faros đã trải qua nhiều thay đổi lớn, cả về hoạt động kinh doanh lẫn diễn biến trên thị trường chứng khoán.
Những thăng trầm của FLC Faros trong gần 3 năm ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC Faros từ tháng 5/2017 đến tháng 4/2020. Ảnh: Đức Quyền.

Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros tên ban đầu là CTCP Xây dựng và Đầu tư Hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập ngày 1/3/2011 với vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng. 

Trải qua nhiều lần tăng vốn, đến tháng 9/2016, FLC Faros có vốn điều lệ 4.300 tỉ đồng và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS lên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). 

Cổ phiếu tăng sốc, giảm sâu khó lường

Ngay từ khi mới gia nhập thị trường, ROS đã chứng tỏ mình là một thành viên đặc biệt khi tăng trần 12 phiên liên tục, tạm nghỉ 5 phiên, rồi lại tăng trần thêm 8 phiên nữa. Chỉ trong một tháng, giá cổ phiếu ROS tăng 225%, đưa vốn hóa thị trường lên 14.663 tỉ đồng.

Trong giai đoạn hơn 3 tháng từ 14/12/2016 đến 18/3/2017, ngoài một phiên đứng giá, một phiên giảm nhẹ, tất cả các phiên còn lại ROS đều đóng cửa trong sắc xanh. Việc ROS tăng giá gần như liên tục trong hơn 3 tháng tạo nên biểu đồ hình chiếc thước kẻ dài, có một không hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Những thăng trầm của FLC Faros trong gần 3 năm ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu ROS của FLC Faros từ khi chào sàn ngày 1/9/2016 đến hết năm 2017: Nhiều phiên tăng liên tiếp tạo nên những đường thẳng hướng lên. Nguồn: VNDirect (giá sau điều chỉnh).

Những tháng cuối năm 2016, ông Trịnh Văn Quyết đã bỏ ra khoảng 3.500 tỉ đồng để mua vào 110 triệu cổ phiếu ROS, nâng tỉ lệ nắm giữ lên 67,34%. Vợ ông Trịnh Văn Quyết là bà Lê Thị Ngọc Diệp cũng nắm giữ 4,7% cổ phần FLC Faros.

Tuy là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 2/3 vốn điều lệ công ty nhưng cuối năm 2016 ông Quyết chưa nắm giữ chức vụ gì tại FLC Faros mà vẫn chỉ là Chủ tịch của Tập đoàn FLC. Bản thân Tập đoàn FLC cũng không là cổ đông lớn hay công ty mẹ của FLC Faros.

Đến tháng 5/2017, ông Quyết được bầu làm Chủ tịch HĐQT FLC Faros thay cho người tiền nhiệm là ông Lê Thành Vinh. Ông Vinh khi đó cũng là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Ngày 3/11/2017, sau nhiều phiên tăng nóng liên tiếp, cổ phiếu ROS lên đỉnh 214.100 đồng/cp giá trước điều chỉnh (hay 178.100 đồng/cp sau điều chỉnh), tương ứng với vốn hóa thị trường hơn 101.000 tỉ đồng. Với việc sở hữu 67,34% vốn điều lệ của FLC Faros, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC Faros khi đó ôm khối cổ phiếu ROS trị giá hơn 68.000 tỉ đồng. 

Cộng thêm sở hữu tại Tập đoàn FLC và Công ty Chứng khoán Artex (nay là Chứng khoán BOS), ông Trịnh Văn Quyết vững vàng ở ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bỏ xa các tên tuổi khác như ông Phạm Nhật Vượng (Tập đoàn Vingroup), ông Trần Đình Long (Tập đoàn Hòa Phát) hay bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Hàng không Vietjet).

Sau thời gian phá đỉnh liên tiếp, cổ phiếu ROS lại bước vào giai đoạn lao dốc không phanh còn khoảng 30.000 đồng/cp vào tháng 6/2019.

Tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 21/6/2019, khi được hỏi về nguyên nhân giá cổ phiếu xuống thấp, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết cá nhân ông cùng một số cổ đông đang sở hữu trên 80% cổ phần của FLC Faros, các cổ đông nhỏ lẻ chỉ sở hữu hơn 10% vốn.

Theo ông Quyết, những "cổ đông lớn" này không hề bán ra cổ phiếu ROS, cá nhân ông cũng không bán – nếu bán phải công bố thông tin cho toàn thị trường biết. Như vậy, chỉ có các cổ đông nhỏ lẻ bán và đẩy giá cổ phiếu ROS xuống thấp.

"Việc giá cổ phiếu đi xuống hoàn toàn là do cung cầu của thị trường", ông Trịnh Văn Quyết nói ngày 21/6/2019.

Một trong các giải pháp mà ông Quyết đề ra để giúp bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong bối cảnh giá cổ phiếu ROS suy giảm kéo dài là "cam kết không bán cổ phiếu ROS trong năm nay [2019] và cũng chưa có ý định bán trong các năm sau".

Thực tế giá cổ phiếu ROS vẫn tiếp tục đi xuống, lập đáy lịch sử 3.260 đồng/cp vào ngày 31/3/2020. Ông Quyết cũng đã giảm tỉ lệ sở hữu tại FLC Faros từ 67,34% xuống còn 51,3% và thu về hơn 2.000 tỉ đồng.

Những thăng trầm của FLC Faros trong gần 3 năm ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch - Ảnh 4.

Cổ phiếu ROS lao dốc từ gần 180.000 đồng/cp (giá sau điều chỉnh) còn 4.000 đồng/cp đầu tháng 4/2020. Nguồn: Fireant.

Nhu cầu tái cơ cấu

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết nhậm chức Chủ tịch, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của FLC Faros cùng đạt đỉnh trong quí IV/2017 với giá trị lần lượt 2.317 tỉ đồng và 639 tỉ đồng.

Cả năm 2017 công ty ghi nhận lãi ròng 848 tỉ đồng – mức cao nhất trong lịch sử, doanh thu thuần cũng lên tới 4.419 tỉ đồng. Theo giải trình của FLC Faros khi đó, công ty mở rộng qui mô, kí được nhiều hợp đồng thi công có giá trị lớn nên doanh thu từ hoạt động xây lắp tăng lên. 

Trong thực tế, FLC Faros chính là tổng thầu xây dựng cho nhiều dự án nghìn tỉ như Quần thể FLC Quảng Bình, Tổ hợp FLC Đồ Sơn, Dự án FLC Ngọc Vừng, Dự án FLC Coastal Hill Quy Nhơn và FLC Sea Towers Quy Nhơn, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình …

Các dự án này đều có chủ đầu tư là Tập đoàn FLC – một doanh nghiệp cũng do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch. Trên báo cáo tài chính của FLC Faros cũng ghi nhận các giao dịch hàng nghìn tỉ đồng với Tập đoàn FLC.

Những thăng trầm của FLC Faros trong gần 3 năm ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch - Ảnh 5.

Bệnh viện đa khoa quốc tế tỉnh Thái Bình qui mô 1.000 giường do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, FLC Faros làm tổng thầu, khởi công ngày 14/2/2019. Ảnh: Đức Quyền.

Làm ăn có lãi nhưng FLC Faros chưa một lần trả cổ tức bằng tiền mặt, chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 10% và cổ phiếu thưởng 20%, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành từ 430 triệu lên 567,6 triệu. Công ty từng dự định phát hành 300 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cp để huy động vốn thực hiện dự án ở Đảo Ngọc Vừng nhưng kế hoạch này sau đó không được thực thi.

Trong năm 2018, kết quả kinh doanh của FLC Faros đi xuống, lợi nhuận chỉ còn 185 tỉ đồng, tương đương 1/5 con số năm 2017. Công ty giải trình rằng nhiều dự án chưa đến thời điểm ghi nhận doanh thu theo chuẩn mực kế toán nên tổng doanh thu sụt giảm; doanh thu giảm dẫn tới lợi nhuận giảm.

Những thăng trầm của FLC Faros trong gần 3 năm ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch - Ảnh 6.

Trong năm 2019 vừa qua, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, FLC Faros ghi nhận 4.840 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng so với các năm trước nhưng lợi nhuận chỉ đạt 178 tỉ đồng, tiếp tục giảm so với năm 2018.

Trong bối cảnh cả kết quả kinh doanh lẫn giá cổ phiếu đều đi xuống, ban lãnh đạo FLC Faros cho rằng cần thay đổi kế hoạch kinh doanh ngắn hạn và dài hạn trong giai đoạn 2020-2025, tái cơ cấu ngành nghề chính và sắp xếp lại hoạt động kinh doanh của công ty.

Hướng đi cụ thể mà FLC Faros đưa ra là sáp nhập vào CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB) – một công ty sản xuất gạch xây dựng, cũng nằm trong "hệ sinh thái FLC".

Tập đoàn FLC từng góp 80% vốn thành lập GAB vào tháng 5/2016 và hiện vẫn là cổ đông lớn sở hữu 9% vốn điều lệ của GAB. Ông Trần Thế Anh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn của GAB.

Ngày 7/4 khi Hội đồng quản trị GAB đồng ý chủ trương sáp nhập cũng là ngày mà ông Trịnh Văn Quyết xin thôi chức Chủ tịch HĐQT FLC Faros.

Song Ngọc