Những sai lầm doanh nhân thành công không muốn tái phạm
Cố gắng thay đổi người khác
"Chúng ta không thể thay đổi người khác. Bạn có thể đề xuất cho họ ý tưởng, góc nhìn khác biệt hoặc cơ hội, song họ sẽ chỉ dùng chúng như công cụ phát triển. Họ sẽ phải tự quyết định về việc thay đổi", Lã Bích Vân, phó giám đốc công ty thời trang Hoàn Vân ở Đà Nẵng, khẳng định.
Ban đầu Vân cũng từng cố gắng thay đổi một số cộng sự và nhân viên. Nhưng sau đó, khi nhận ra đó là mục tiêu bất khả thi, cô dừng.
"Khi hành vi, quan điểm hay tính cách của người khác khiến tôi phát điên, tôi nói thẳng cảm xúc của tôi để họ biết. Nhưng tôi hiểu những lời của tôi không thể thay đổi họ", Vân thổ lộ.
Nữ doanh nhân cho rằng doanh nhân nên chấp nhận thực tế ấy và ra quyết định dựa theo hiểu biết về cá tính của từng cộng sự, đối tác, khách hàng hay đồng nghiệp.
"Nếu nhân viên của bạn không nỗ lực, chẳng tham vọng thì cách tốt nhất là ngừng hợp tác, chứ không nên cố thay đổi họ", cô bình luận.
Trách móc người khác
Nguyễn Đình Hợp, giám đốc công ty thương mại Hoàng Phương ở Hà Nội, nhận định rằng người thành công không bao giờ đổ lỗi cho người khác.
"Đổ lỗi cho người khác không mang lại bất kỳ lợi ích nào, ngoài việc đề cao cái tôi của doanh nhân", Hợp bình luận.
Ngay cả khi người khác mắc lỗi hiển nhiên, doanh nhân thành công cũng chẳng phí sức để đổ lỗi, mà tìm cách giải quyết vấn đề. Ảnh: blogspot.com |
Hợp nói thêm rằng, ngay cả khi lỗi thuộc về người khác, doanh nhân không nên lãng phí thời gian và năng lượng để trách móc hay đùn đẩy trách nhiệm, mà phải nghĩ phương án giải quyết vấn đề sớm.
"Khi mắc sai lầm, doanh nhân nên nhận trách nhiệm và sửa sai. Thói quen nhận trách nhiệm sẽ giúp doanh nhân cải thiện mọi thứ theo thời gian", Hợp bình luận.
Nghiên cứu sơ sài trước khi ra quyết định
Ra quyết định quan trong mà không hiểu tác động và các tình huống phát sinh là một sai lầm quan trọng, theo anh Vũ Thế Phong, giám đốc công ty đầu tư công nghệ Hoàng Phong ở Hà Nội.
"Quyết định quan trọng có thể là một khoản đầu tư, một mối quan hệ bạn bè, tuyển nhân sự hay chuyển tới một nơi mới. Những người xuất chúng luôn nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ra quyết định then chốt. Họ sẽ không dựa vào một nguồn thông tin hay ý kiến của một người. Thay vào đó, họ cân nhắc mọi yếu tố và xem xét hoàn cảnh và những ưu tiên của bản thân", Phong nói.
Ví dụ, trước khi đầu tư vào một công nghệ mới, Phong luôn tham khảo ý kiến của cộng sự, các chuyên gia, người tiêu dùng và báo chí. Khi phần lớn thông tin cho thấy anh nên đầu tư, anh vẫn tiếp tục xem xét hoàn cảnh cụ thể của công ty và những mục tiêu mà anh đề ra. Nếu công nghệ ấy không mâu thuẫn với hoàn cảnh và mục tiêu dài hạn, anh sẽ rót vốn.
Làm theo cách cũ rồi hy vọng kết quả mới
"Chỉ người ngốc mới cố thử cách cũ và hy vọng một kết quả mới", Ngô Khánh Quyên, giám đốc công ty giáo dục KOMOS ở TP Hồ Chí Minh, bình luận.
Quyên khẳng định doanh nhân thành công luôn thử nghiệm những giải pháp mới.
"Nếu thất bại, họ sẽ tìm nguyên nhân rồi thay đổi phương pháp. Họ không bao giờ đổ lỗi cho những thất bại của họ và chẳng bao giờ lặp lại giải pháp khiến họ thất bại", cô lập luận.
Khi "chạy" quảng cáo trên Facebook, Zalo để quảng cáo các khóa học không phát huy tác dụng, Quyên phân tích quảng cáo của các đối thủ và nhận thấy nội dung của cô không khác biệt so với số đông. Vì thế, cô vào các nhóm học tập trên Facebook để chia sẻ kiến thức, giới thiệu khóa học. Ngoài ra, cô còn livestream các buổi chia sẻ phương pháp học tập vào những buổi cố định trong tuần. Nhờ những giải pháp mới, sau 3 tháng, doanh số bán khóa học của Quyên tăng rõ rệt.
Xem thêm |