|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những người nhập cư đang điều hành các kỳ lân công nghệ giá trị nhất nước Mỹ

08:11 | 19/02/2022
Chia sẻ
Những CEO nhập cư như tỷ phú Elon Musk đang dần chiếm số đông trong những kỳ lân hay thậm chí cả những công ty hàng đầu nước Mỹ.

Những người nhập cư từ lâu đã chiếm số lượng lớn trong số các nhà sáng lập và CEO của các công ty công nghệ có giá trị nhất của Mỹ. Dù vậy, thời gian gần đây, sự nổi tiếng của họ thậm chí còn tăng lên nhiều lần.

Theo phân tích của Crunchbase, tất cả 4 công ty tư nhân có giá trị nhất, được hỗ trợ bởi liên doanh hiện nay đều có những người sáng lập và CEO là người nhập cư. Trong khi đó, trên thị trường đại chúng, 4 trong số 7 công ty có giá trị nhất của nước Mỹ hiện đều người đứng đầu là những người nhập cư.

Đáng chú ý, số lượng người nhập cư chỉ chiếm 13,7% tổng dân số nước Mỹ thời điểm hiện tại. Ngoài ra, kể từ lần cuối cùng Crunchbase thực hiện phân tích vào năm 2020, số lượng người nhập cư đứng đầu các kỳ lân giá trị nhất nước Mỹ cũng đã tăng lên.

Theo dữ liệu của Crunchbase, 4 kỳ lân giá trị nhất nước Mỹ đều được thành lập bởi những người nhập cư. Cái tên đầu tiên được nhiều người nghĩ tới chắc hẳn là SpaceX, công ty hàng không vũ trụ được thành lập bởi tỷ phú Elon Musk, một người gốc Nam Phi đã từng học ở Canada trước khi nhập cư vào Mỹ. SpaceX từng đạt mức định giá 100 tỷ USD vào tháng 10 năm ngoái và tỷ phú Elon Musk hiện cũng là người giàu nhất thế giới.

Tỷ phú Elon Musk và những người nhập cư khác đang điều hành các kỳ lân công nghệ giá trị nhất nước Mỹ - Ảnh 1.

SpaceX là một trong những kỳ lân giá trị nhất nước Mỹ. (Ảnh: New York Post).

Stripe là một công ty thanh toán trực tuyến được đồng sáng lập bởi anh em Patrick và John Collison, những người có quyê gốc Ireland. Patrick Collison đã đến Mỹ để theo học tại MIT nhưng rời đi để xây dựng một công ty khởi nghiệp. Trong khi đó, John Collison theo học tại Harvard, nhưng cũng rời bỏ để theo đuổi cuộc sống khởi nghiệp trước khi hoàn thành chương trình học của mình. Mức định giá của Stripe hiện rơi vào khoảng 95 tỷ USD.

Fidji Simo từng là một cựu giám đốc của Facebook trước khi rời công ty vào tháng 7 năm ngoái để trở thành CEO của hãng giao hàng tạp hóa Instacart từ tháng 8. Tuy nhiên, người sáng lập ra kỳ lân này lại là một cái tên khác, đó là Apoorva Mehta. Ông sinh ra ở Ấn Độ trước khi chuyển đến Libya và sau đó tới Canada vào lúc 14 tuổi. Hiện mức định giá của kỳ lân này là 39 tỷ USD.

Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Databricks, Ali Ghodsi, là một người sinh ra ở Iran rồi sau đó chuyển đến Thụy Điển khi còn nhỏ. Sau khi hoàn thành văn bằng tiến sĩ ở Thụy Điển, ông gia nhập UC Berkeley ở California với tư cách là một học giả thỉnh giảng. Databricks, startup chuyên cung cấp các công cụ hỗ trợ AI để quản lý số lượng dữ liệu lớn trên các nền tảng, sau này đã trở thành kỳ lân và hiện được định giá khoảng 38 tỷ USD.

Trong khi đó, trên thị trường đại chúng, 4 trong số 7 công ty có giá trị lớn nhất nước Mỹ hiện tại đều được điều hành bởi các CEO là người nhập cư. Điều này xảy ra sau một thực tế rằng Facebook đã chính thức rớt khỏi vị trí top 7 công ty giá trị nhất nước Mỹ bởi kết quả kinh doanh ảm đạm, qua đó khiến doanh nghiệp được điều hành bởi tỷ phú Mark Zuckerberg "bốc hơi" hơn 500 tỷ USD.

Thay vào đó, nhà sản xuất chip Nvidia đã lọt vào top 7, theo CNBC. Giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập của doanh nghiệp chuyên về chip này là Jensen Huang, một người gốc Đài Loan, di cư đến Mỹ cùng gia đình từ năm 9 tuổi.

Ngoài Nvidia, ba công ty khác trong 7 công ty hàng đầu nước Mỹ hiện tại đều do người nhập cư lãnh đạo. Cụ thể, Sundar Pichai và Satya Nadella, CEO của hai ông lớn Google và Microsoft, đều đến từ Ấn Độ. Trong khi đó, cái tên còn lại chắc chắn là tỷ phú Elon Musk, người đang điều hành công ty xe điện Tesla, bên cạnh kỳ lân SpaceX đã nêu trên. Trong khi đó, những công ty còn lại trong 7 công ty hàng đầu là Apple, Amazon và Berkshire Hathaway đều có CEO là người Mỹ.

Các nguồn vốn gần đây cho chúng ta biết về vai trò của người nhập cư trong việc xây dựng những gã khổng lồ công nghệ trong tương lai. Khi các chuyên gia của Crunchbase thực hiện phân tích và đánh giá vào năm 2020, dữ liệu ban đầu cho thấy tỷ lệ các công ty khởi nghiệp được định giá cao ở Mỹ do người nhập cư thành lập hoặc lãnh đạo đang có xu hướng giảm đôi chút.

Một nguyên nhân được đề cập tới là sự phát triển của các trung tâm khởi nghiệp bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ, giúp các nhà sáng lập thành lập công ty ở quê nhà dễ dàng hơn. Ngoài ra, còn một yếu tố khác quan trọng hơn đó là rào cản của việc đảm bảo thị thực với tư cách là một nhà sáng lập khởi nghiệp tương lai. Dù vậy, số lượng kỳ lân mới có các CEO là người nhập cư tại Mỹ đang tăng lên. Điều này nói lên rằng trong tương lai, sẽ có những sự đổi mới với vai trò của những người nhập cư tại Mỹ.

Quốc Anh