Những 'ngôi sao' châu Á đang soi rọi Ấn Độ
Ấn Độ hy vọng đàm phán được với Mỹ về nhập khẩu dầu từ Iran |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhật Bản, Hàn Quốc, Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Australia, tất cả đều là những đồng minh thân cận của Mỹ, nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ muốn đa dạng hóa nền kinh tế của mình để tránh bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
Nhiều nước châu Á sản xuất hàng hóa lắp ráp tại Trung Quốc trước khi được xuất khẩu sang Mỹ, do đó căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể khiến toàn bộ chuỗi sản xuất của khu vực bị tổn thương.
Ông Termsak Chalermpalanupap, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói với hãng CNBC rằng thúc đẩy thương mại bên trong châu Á được nhiều người xem là sự đảm bảo lớn nhất cho khu vực, và điều đó đang thôi thúc Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia để mắt nhiều hơn tới các nước láng giềng của họ, đặc biệt là Ấn Độ.
Trong khi đó, ông Harsh Pant, thành viên cao cấp của Quỹ nghiên cứu người quan sát (Ấn Độ), nhận định chiến tranh thương mại khiến cho các quốc gia châu Á "không còn nhiều không gian để xoay xở với cách tiếp cận truyền thống của họ. Họ cần một người chơi khác như Ấn Độ, quốc gia đang thể hiện uy tín của mình như một đối tác kinh tế và an ninh có trách nhiệm".
Chính phủ Australia đã công bố "Chiến lược kinh tế Ấn Độ" đầy tham vọng hồi tháng Bảy vừa qua. Theo đó đến năm 2035, Australia hy vọng đưa Ấn Độ trở thành một trong ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước này và điểm đến đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 3 ở châu Á của Canberra.
Cuối năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã giới thiệu sách lược mang tên "Chính sách phương Nam", tập trung vào việc làm sâu sắc quan hệ với khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ, dù không thuộc Đông Nam Á về mặt địa lý, song ông Moon từng khẳng định trong chuyến thăm đến New Delhi hồi tháng Bảy vừa qua rằng đây vẫn sẽ là "đối tác hợp tác chủ chốt" của Seoul theo bình diện này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, sẽ tiếp người đồng cấp Ấn Độ trong vài ngày tới ở Tokyo, đã bày tỏ cam kết đưa New Delhi trở thành một trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình, theo đó thúc đẩy đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng ở các thị trường mới nổi thuộc châu Á và châu Phi.
Chiến lược này được công bố lần đầu tiên vào năm 2016, trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu sử dụng thuật ngữ này. Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu hôm 22/10 đã lưu ý những lĩnh vực hợp tác chính giữa Ấn Độ và Nhật Bản là tăng cường quan hệ hàng hải, quốc phòng và phát triển.
Theo ông Dhruva Jaishankar, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings India, từ góc độ chính trị, "các ngôi sao ở châu Á đang soi rọi Ấn Độ, giúp nước này đẩy nhanh tăng tưởng kinh tế. Việc Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy kinh tế vì các mục đích chính trị có thể là một nhân tố nữa đẩy các quốc gia tiến lại gần New Delhi.
Ông Jaishankar lấy dẫn chứng từ việc Bắc Kinh ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản khi hai nước xảy ra một cuộc tranh chấp lãnh thổ năm 2010, và gần đây hơn, là việc Trung Quốc trừng phạt các công ty Hàn Quốc liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn cần phải quan sát xem liệu New Delhi có thể hưởng lợi từ tất cả những xu thế này hay không. Một mặt, sự trỗi dậy của kinh tế Ấn Độ và chính sách ngoại giao năng động của Thủ tướng Narendra Modi khiến nước này có tiềm năng trở thành đối tác lý tưởng cho các quốc gia châu Á. Theo ông Pant, trước đây Ấn Độ từng e dè khi nhắc đến một vai trò lớn hơn trong khu vực, nhưng ngày nay, họ đã tự đề cập bản thân như một người chơi hàng đầu trên toàn cầu.
Dẫu vậy, ông Pant cảnh báo Ấn Độ sẽ cần phải tăng cường can dự về kinh tế và an ninh với các quốc gia trong khu vực, bởi Trung Quốc đi trước rất nhiều ở cả hai lĩnh vực này. Hơn nữa, với di sản từ những thỏa thuận thương mại bất lợi và tiến trình tự do hóa kinh tế không đồng đều, khả năng Ấn Độ tận dụng được đầy đủ những cơ hội quý giá này là khá mong manh.