Những kì lân giáo dục tiêu biểu trên thế giới
Ruangguru, một startup trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (edtech) của Indonesia, đã chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam bằng việc ra mắt một nền tảng mang tên Kiến Guru.
Ra đời 5 năm trước như một nền tảng gia sư trực tuyến, Ruangguru nhanh chóng phát triển để trở thành một trong những startup trong lĩnh vực edtech đa dạng nhất Indonesia.
Ruangguru nói công ty đang có hơn 6 triệu người dùng cùng sự hợp tác với 150.000 giáo viên với nhiều khoá đào tạo trực tuyến ở 100 lĩnh vực.
Giới quan sát kì vọng Kiến Guru sẽ trở thành startup "kì lân" (công ty tư nhân có giá trị từ một tỉ USD trở lên) tiếp theo của Indonesia. Trên thực tế, chỉ vài startup giáo dục trở thành "kì lân", chẳng hạn như Udacity, VipKid hay Byju's.
Udacity
Ý tưởng khởi nguồn của Udacity bắt đầu từ các lớp học công nghệ thông tin miễn phí tại Đại học Stanford vào năm 2011. Ba nhà sáng lập của Udacity là Sebastian Thrun, David Stavens và Mike Sokolsky.
Udacity giúp sinh viên trên toàn thế giới không có điều kiện học tập tại Stanford tiếp xúc với các giảng viên hàng đầu. Hiện tại, ngoài các lớp học chính về lập trình và AI, Udacity còn cung cấp thêm các lớp dạy toán và vật lí.
Sebastian Thrun là một trong ba nhà sáng lập của Udacity. Ảnh: Udacity
Ban đầu, Thrun đã bỏ 200.000 USD từ tiền tiết kiệm cùng với công ty đầu tư mạo hiểm Charles River đầu tư cho dự án. Tới tháng 10/2012, Udacity nhận thêm 15 triệu USD từ một nhóm công ty, trong đó nhà đầu tư lớn nhất là quĩ Andreessen Horowitz.
Một năm sau khi nhận vốn, Udacity chuyển dịch sang hướng các khóa học dạy nghề cho người đi làm. Theo thống kê vào ngày 28/4/2014, công ty đã có 1,6 triệu học viên với 12 khóa học thu tiền, 26 khóa học miễn phí.
Tháng 2/2018, ngay khi chưa có lãi, Udacity đã được định giá 1 tỉ USD sau khi kêu gọi thành công 163 triệu USD từ Andreessen Horowitz, Drive Capital và quĩ đầu tư GV của Alphabet.
VipKid
VipKid ra đời vào năm 2013 nhưng phải tới năm 2014, công ty mới chính thức hoạt động. Ban đầu, công ty tạo ra một nền tảng kết nối học viên có nhu cầu học tiếng Anh tại Trung Quốc tới các giáo viên đến từ Mỹ và Canada.
Học viên và giáo viên sẽ kết nối thông qua nền tảng video. Mỗi khóa học tại VipKid kéo dài 25 phút.
Hiện tại, VipKid đã gọi vốn thành công 7 vòng với tổng giá trị lên tới 825 triệu USD. Theo trang tạp chí Forbes, mức định giá của VipKid vào năm 2019 đã lên tới 3 tỉ USD.
Theo thống kê vào tháng 3/2019, VipKid đang có tới nửa triệu học viên trên toàn cầu. Số lượt học viên truy cập mỗi ngày là 180.000. Ngoài ra, số lượng giáo viên đăng kí trên hệ thống lên tới 65.000 người.
Đáng chú ý, nhà sáng lập của VipKid, bà Cindy Mi đã bỏ học khi đang học lớp 11 tại trường phổ thông. Bà sau đó cùng với chú thành lập một lớp gia sư tiếng Anh vào thời điểm đó trước khi sáng lập VipKid vào năm 2013.
Byju's
Byju's ra đời năm 2011 bởi Byju Raveendra, người Ấn Độ. Byju's cung cấp một ứng dụng di động gia sư trực tuyến cho các học viên. Đối tượng khách hàng mục tiêu của công ty chính là học sinh đang học chương trình phổ thông, từ lớp 4 tới lớp 12.
Bên cạnh những chứng chỉ được công nhận tại Ấn Độ, Byju's còn cung cấp các khóa học đào tạo chứng chỉ như GRE, GMAT. Hai bộ môn chính tạo Byju's chính là toán và khoa học, với các bài học video kéo dài 12-20 phút.
Byju Raveendra, người sáng lập Byju's. Công ty có mức định giá lên tới 5,5 tỉ USD. Ảnh: Byju's
Hiện tại, Byju's đang có 30 triệu học viên, chủ yếu từ Ấn Độ. Trong số đó 2,2 triệu người trả phí thường niên hàng năm.
Ở vòng gọi vốn lần gần nhất vào tháng 7/2019, công ty được định giá 5,5 tỉ USD. Các nhà đầu từ vào Byju's còn có Mark Zuckerberg, Tecent và tỉ phú Ấn Độ, ông Ranjan Pai.
Byju Raveendra hiện đang nắm 34% cổ phần công ty. Theo Forbes, ông và gia đình đang có tổng giá trị tài sản 1,91 tỉ USD, giàu thứ 72 tại Ấn Độ.
Udemy
Ý tưởng sáng lập Udemy nảy ra khi nhà sáng lập Eren Bali còn sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2007. 3 năm sau, ông chuyển tới Thung lũng Silicon và tại đây cùng các đồng sự, ông cho ra mắt Udemy.com
Udemy là một nền tảng cung cấp các khóa học dành cho người lớn và sinh viên. Ứng dụng Udemy cung cấp hàng ngàn khóa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các khóa học hướng dẫn cho các lao động tự do cho tới cách viết báo cáo cho sinh viên.
Theo thống kê của Forbes vào tháng 10/2011, công ty đã có 24 triệu tài khoản đăng kí học. Udemy cũng sở hữu 80.000 các khóa học khác nhau, với 35.000 người hướng dẫn.
Theo công ty chuyên nghiên cứu về ngành công nghệ giáo dục Holon IQ, mức định giá Udemy đã chạm ngưỡng 1 tỉ USD sau vòng gọi vốn Series D vào thắng 6/2016.
17zuoye
Là một công ty giáo dục có trụ sở tại Trung Quốc, 17zuoye đã chính thức trở thành kì lân vào tháng 3/2018. Thời điểm đó, họ nhận 250 triệu USD từ Temasek và các nhà đầu tư khác với mức định giá vượt 1 tỉ USD.
17zuoye, với tên tiếng Anh là Homework Together, đã đồng bộ hóa toàn bộ những qui trình giáo viên và học sinh thực hiện trên lớp thông qua một nền tảng sử dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn.
Tại thời điểm trở thành kì lân, 17zuoye đã hiện diện ở 31 tỉnh thành tại Trung Quốc. 120.000 trường học cũng đăng kí trở thành đối tác với công ty cùng 600 triệu tài khoản trên nền tảng. Theo thống kê, 1,9 triệu giáo viên và 20 triệu phụ huynh cũng hoạt động trên nền tảng của 17zuoye.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/