Những hệ lụy từ quyết định của OPEC+
Quyết định cắt giảm sản lượng bất ngờ hồi đầu tháng này của các thành viên chủ chốt trong Tổ chức các Nước Xuất khấu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, được dự báo sẽ gây thêm khó khăn cho kinh tế thế giới, vốn đang đối mặt với triển vọng ảm đạm, đồng thời có nguy cơ gây ra những hệ lụy cho chính thị trường trường dầu mỏ toàn cầu.
Giá dầu có thể nhanh chóng đi xuống một khi nền kinh tế thế giới không còn đủ sức hấp thụ giá dầu cao.
Một số thành viên của OPEC+, gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iraq, Kuwait, Oman và Algeria, ngày 2/4 thông báo họ sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5-12/2023.
Nga cũng tuyên bố rằng mức cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày mà nước này đang thực hiện trong giai đoạn tháng 3-6/2023 sẽ được tiếp tục cho đến cuối năm nay.
Động thái của Nga đưa tổng lượng cắt giảm của OPEC+ lên hơn 1,66 triệu thùng/ngày. Trước đó vào tháng 10/2022, OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng tổng cộng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ cho giá dầu vốn ngày một sụt giảm trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu yếu đi.
Quyết định hôm 2/4 đưa tổng mức giảm sản lượng của OPEC+ lên khoảng 3,66 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 3,6% trong tổng nhu cầu dầu toàn cầu.
Lý giải cho quyết định cắt giảm sản lượng của mình, các thành viên OPEC+ khẳng định đây là "biện pháp phòng ngừa" nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ.
Giới phân tích quốc tế đánh giá nguyên nhân then chốt đằng sau động thái mới nhất của OPEC+ là việc giá dầu đã lao dốc nhanh chóng vào đầu năm 2023, trong bối cảnh giới thị trường lo ngại chính sách thặt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nguy cơ hỗn loạn trong ngành ngân hàng của Mỹ và châu Âu có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái nghiêm trọng.
Giá dầu đã giảm từ 120 USD/thùng ghi nhận vào mùa Hè năm 2022 xuống còn 73 USD/thùng vào ngày 17/3, ghi dấu mức thấp nhất trong 15 tháng, giữa những quan ngại rằng đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới sẽ khiến nhu cầu nhiên liệu suy yếu.
Quyết định của OPEC+ rõ ràng cho thấy các nhà sản xuất trong liên minh này đang nỗ lực bảo vệ nguồn thu từ dầu mỏ của họ trước những lo ngại về tình trạng suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù ghi nhận nguồn thu dầu mỏ kỷ lục hơn 161 tỷ USD trong năm 2022, Saudi Arabia vẫn muốn gia tăng nguồn thu này để đảm bảo vốn đầu tư cho các đại dự án thuộc khuôn khổ Tầm Nhìn 2030 của mình nhằm thúc đẩy cải cách và đa dạng hóa nền kinh tế.
Thông báo về quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC+ đã gây bất ngờ cho các thị trường, vốn đang kỳ vọng liên minh này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách sản lượng được thống nhất vào tháng 10/2022. Quyết định của OPEC+ đã ngay lập tức tác động đến giá dầu.
Ngay sau thông báo cắt giảm thêm sản lượng của OPEC+, giá dầu thô Brent và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều tăng hơn 6% lên lần lượt 84,95 USD/thùng và 80,47 USD/thùng.
Phản ứng trước động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+, Mỹ cho rằng quyết định của liên minh này là không nên làm trong điều kiện thị trường hiện nay. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 4/4 nói rằng quyết định của OPEC+ là “một hành động thiếu tính xây dựng” và sẽ khiến triển vọng tăng trưởng toàn cầu thêm bất ổn.
Động thái này rõ ràng không có lợi cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trái lại nó còn làm gia tăng sự bất ổn và gánh nặng cho người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát vẫn đang ở mức cao.
Ngay sau cuộc họp trực tuyến hôm 3/4, OPEC+ ra tuyên bố chung khẳng định họ nhất trí theo đuổi các mục tiêu sản lượng và sẽ tiếp tục xem xét các động lực của thị trường. Trong vòng hơn 6 tháng, OPEC+ đã hai lần quyết định cắt giảm sản lượng dựa trên những động lực khác nhau của thị trường.
Vào tháng 10/2022, OPEC thông báo cắt giảm tổng cộng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường năng lượng. Tuy nhiên, lần này lại khác, nhu cầu dầu toàn cầu tăng chứ không giảm, với sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc. Điều này cho thấy OPEC+ sẵn sàng hành động với mục tiêu bảo vệ mức giá sàn trên 80 USD/thùng.
Theo đánh giá của giới phân tích, quyết định mới nhất của OPEC+ sẽ khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu ngày càng thắt chặt hơn, qua đó đẩy giá dầu tăng mạnh trong một vài tháng tới. Nhà kinh tế cấp cao Edward Bell tại ngân hàng Emirates NBD (Dubai-UAE) nhận xét "biện pháp phòng ngừa" mới nhất của OPEC+ sẽ khiến thị trường thiếu hụt khoảng 3 triệu thùng/ngày vào quý IV/2023, khiến lượng dầu trong các kho dự trữ giảm xuống còn 53 ngày nhu cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), so với mức 62 ngày trước đại dịch COVID-19.
Nhà phân tích Vandana Hari, người sáng lập hãng nghiên cứu thị trường năng lượng Vanda Insights (Singapore), nhận định quyết định của OPEC+ có khả năng đẩy thị trường vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay trong quý II/2023.
Trong bối cảnh đó, theo nhận định của hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy), quyết định mới nhất của OPEC+ sẽ đẩy giá dầu lên trên 100 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2023, với giá dầu Brent có thể chạm mốc 110 USD vào mùa Hè này. Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sỹ) dự báo giá dầu Brent sẽ đạt 100 USD/thùng vào tháng 6/2023.
Sự biến động của thị trường dầu mỏ thường gây nhiều khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách. Giá dầu gia tăng sẽ khiến lạm phát vốn đang ở mức cao tiếp tục leo thang, và điều này có thể gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải hành động mạnh mẽ hơn.
Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu có thể sẽ phải tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát gia tăng.
Quyết định mới nhất của OPEC+ có thể sẽ kéo lùi đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Mới đây nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 6/4 dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ đạt dưới 3% trong năm nay, giảm so với 3,4% ghi nhận trong năm 2022.
Bên cạnh đó, quyết định cắt giảm sản lượng bổ sung của OPEC+ cũng có thể gây ra những hệ lụy cho chính thị trường dầu mỏ cũng như nguồn thu của các nhà sản xuất.
Mặc dù giá dầu có khả năng sẽ tăng lên 90 USD/thùng hoặc thậm chí hơn 100 USD/thùng, nhưng việc duy trì các mức cao này "sẽ rất khó".
Nếu giá dầu cao ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu toàn cầu vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn và làm gia tăng thêm lo lắng về nguy cơ suy thoái, thì giá dầu có thể sẽ nhanh chóng đi xuống và thậm chí có thể sụt giảm mạnh.