|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những doanh nghiệp thua lỗ tới nghìn tỉ trong quí đầu năm, hàng không và xăng dầu so kè vị trí dẫn đầu

14:43 | 05/05/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hàng không và xăng dầu đua nhau vào nhóm thua lỗ nặng nhất trong quí I do ảnh hưởng của giá dầu và COVID-19; trường hợp khác lỗ do chênh lệch tỷ giá hay như một doanh nghiệp hàng hải đi đầu tư chứng khoán thiệt hại hàng trăm tỉ đồng...

Theo thống kê của người viết tính đến hết ngày 4/5, nhiều doanh nghiệp đã công bố mức lỗ hàng trăm, thậm chí đến hàng nghìn tỉ đồng ngay trong quí đầu tiên của năm 2020. Những doanh nghiệp thua lỗ nặng nề nhất là những đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm.

Dẫn đầu về mức lỗ sau thuế hợp nhất là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) với 2.611 tỉ đồng; đây cũng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. 

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến ngành hàng không gần như tê liệt, các đường bay quốc tế bị cho dừng hoạt động, trong khi đường bay nội địa bị hạn chế đến mức tối thiểu nhằm tránh sự lây lan dịch bệnh. 

Các hãng hàng không cảm nhận đầu tiên và rất rõ ràng thông qua các chỉ số về sức công phá của “cú đánh COVID-19”. Doanh thu thuần của Vietnam Airlines giảm hơn 26% còn 18.800 tỉ đồng. Công ty vẫn lỗ nặng bất chấp những nỗ lực cắt giảm chi phí, giảm nhân sự, cắt giảm lương… 

Trong các văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ, Vietnam Airlines nêu vấn đề thiếu hụt dòng tiền có thể lên tới 15.000 tỉ đồng trong năm 2020. Để bù đắp, công ty đã thực hiện thoái vốn 49% tại công ty liên kết Cambodia Angkor Airlines và bán 5 tàu bay A321. 

Một hãng bay khác là CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air - Mã:VJC) thông báo mức lỗ ròng 989 tỉ đồng, doanh thu vận tải hàng không chỉ đạt 7.222 tỉ đồng, giảm 30% so với cùng kì. 

Vietjet cho biết đã chủ động điều chỉnh kế hoạch nhận tàu bay nên không phát sinh doanh thu, lợi nhuận chuyển giao, sở hữu và thuê tàu bay. 

Ban lãnh đạo Vietjet nói rằng mức lỗ này là thấp hơn dự tính ban đầu, công ty chủ động trước các kế hoạch ứng phó đại dịch. Hãng hàng không mở rộng hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng như bổ sung các sản phẩm dịch vụ mới, tăng khuyến mãi kích cầu. 

Vietjet cũng đã đàm phán thành công với các đối tác cho vay về việc giãn khoản phải trả từ 3 - 12 tháng, cắt giảm và tối ưu chi phí hoạt động từ 35 - 40% so với cùng kì. 

Tập đoàn FLC (Mã: FLC) báo mức lỗ nặng 1.891 tỉ đồng, chưa từng có tiền lệ kể từ thời điểm tham gia thị trường chứng khoán. Các lĩnh vực kinh doanh của FLC như du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản, và đặc biệt là hàng không với Bamboo Airways đều là những ngành nghề chịu ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19. 

Dòng tiền thuần âm khiến lượng tiền và tương đương tiền của FLC cuối kì chỉ còn 49 tỉ đồng là rất nhỏ so với một doanh nghiệp có qui mô tài sản gần 33.550 tỉ đồng. 

So kè cùng các doanh nghiệp hàng không cho vị trí lỗ nặng nhất sàn chứng khoán quí I là các “ông lớn” trong lĩnh vực xăng dầu. 

Những doanh nghiệp thua lỗ tới ngàn tỉ trong quí đầu năm, hàng không và xăng dầu so kè vị trí dẫn đầu - Ảnh 1.

Ngành hàng không thiệt hại nặng nề trong quí I. Ảnh: VOV Giao thông

CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) lỗ ròng kỉ lục 2.348 tỉ đồng, doanh thu thuần giảm 22% còn chưa đầy 18.000 tỉ đồng. 

Trong quí I năm nay, giá dầu thô chứng kiến đà suy giảm mạnh mẽ, từ 67 USD/thùng bình quân tháng 12/2019 xuống còn 31,8 USD/thùng bình quân, tức giảm 47%. 

Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán. Khi giá dầu thô và sản phẩm giảm, giá vốn tồn kho cao hơn giá trị trường. Ngoài ra, công ty cho biết chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng suy giảm nghiêm trọng dẫn đến kết quả kinh doanh giảm mạnh. 

Bên cạnh đó, lọc hóa dầu Bình Sơn cũng là doanh nghiệp chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19, khiến nhu cầu các sản phẩm lọc hóa dầu trong nước giảm sâu. Các khách hàng của Bình Sơn khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, tồn kho tăng cao. 

Hay như hai đơn vị phân phối xăng dầu số một và số hai của cả nước là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX)Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - Mã: OIL) lỗ ròng lần lượt 1.813 tỉ đồng và 538 tỉ đồng. 

Biến động của giá xăng dầu thế giới và việc hạn chế đi lại khiến sản lượng kinh doanh và bán lẻ xăng dầu giảm trong 3 tháng đầu năm. Trong giai đoạn này, Chính phủ đã thực hiện 6 kì điều chỉnh giảm giá bán lẻ khiến giá xăng xuống mức thấp nhất 11 năm, kể từ tháng 4/2009. Giá xăng giảm từ 9.000 - 10.000 đồng một lít tùy loại so với hồi đầu năm. 

Ngoài ra, tác động mạnh của COVID-19 làm cho tình hình kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tại PV Oil, giá bán lẻ xăng dầu thấp hơn giá gốc hàng tồn kho khiến toàn hệ thống phải trích lập dự phòng 434 tỉ đồng trong kì. 

Những nguyên nhân nói trên khiến hoạt động kinh doanh xăng dầu phải gánh chịu thua lỗ trong quí I và tình hình quí II vẫn chưa thấy nhiều điểm sáng. 

Những doanh nghiệp thua lỗ tới ngàn tỉ trong quí đầu năm, hàng không và xăng dầu so kè vị trí dẫn đầu - Ảnh 2.

BM tổng hợp

Trong lĩnh vực năng lượng điện, Tổng công ty phát điện 3 (Genco 3 - Mã: PGV) ghi nhận mức lỗ sau thuế hợp nhất 373 tỉ đồng. 

Chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng mạnh mà nguyên nhân tới từ lỗ chênh lệch tỷ giá tới 912 tỉ đồng trong quí, cùng kì năm ngoái chỉ chưa đầy 2 tỉ đồng. 

Tại ngày 31/3/2020, Genco 3 có các khoản vay lại từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giá trị hơn 55.000 tỉ đồng mà chủ yếu là vay ngoại tệ (USD và JPY). Tuy nhiên cũng tại thời điểm này, tỷ giá USD/VND tăng 1,9% và tỷ giá JPY/VND tăng 2,3% khiến công ty chịu lỗ chênh tỷ giá lớn. 

CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Mã: DHB) lỗ ròng 361 tỉ đồng với một trong những nguyên nhân chính là chi phí lãi vay quá lớn, tới 207 tỉ đồng. 

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính là sản xuất phân bón lỗ gộp 88 tỉ. Giải trình của công ty nói rằng COVID-19 khiến cho giá bán sản phẩm ngày càng xuống thấp; lưu thông gặp nhiều trở ngại; ngoài ra việc mua vật tư, linh kiện phục vụ sản xuất cũng bị chậm trễ (do mua từ các nước Châu Âu, Trung Quốc). 

Công ty đồng thời cũng gặp các trở ngại như thiếu hụt lao động, thiếu vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; than và điện là nguyên liệu đầu vào sản xuất cũng liên tục tăng giá… 

Điểm bất ngờ trong quí I năm nay là việc CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) lỗ sau thuế 216 tỉ đồng, đánh dấu quí thua lỗ lần đầu tiên kể từ quí II/2014. 

Việc lỗ do ảnh hưởng từ hợp nhất Công ty VCM, đơn vị sở hữu và vận hành hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích VinMart, VinMart+. 

Trong quí I, doanh thu của VCM tăng trưởng tới 40% so với cùng kì, đạt hơn 8.700 tỉ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) vẫn ở mức âm 446 tỉ đồng. 

Ngoài VCM, doanh thu tại MCH và MML tăng lần lượt 22% và 6% đạt 4.625 tỉ đồng và 3.397 tỉ đồng; trong khi doanh thu của MSR giảm 10%, đạt 1.065 tỉ đồng do tác động của COVID-19 khiến giá khoáng sản ở mức thấp.

Biên EBITDA trong quí I của VCM đạt mức -5,1%, cải thiện đáng kể so với mức -9,1% và -10,7% vào quí I và quí IV năm ngoái. Mục tiêu của ban lãnh đạo công ty trong năm nay là đưa biên EBITDA của VCM cải thiện lên -3% cho đến điểm hòa vốn. 

Tăng trưởng doanh số bán hàng cùng cửa hàng (SSSG) đạt mức hai chữ số tại Hà Nội và các thành phố lớn cấp 1 và cấp 2. Masan cho biết, tăng trưởng doanh số mạnh mẽ bù đắp cho tốc độ mở rộng điểm bán chậm lại nhằm tối ưu hóa mạng lưới. 

Còn tại trường hợp của CTCP MHC (Marina Hà Nội - Mã: MHC), là doanh nghiệp nhỏ với qui mô doanh thu chỉ hơn 8 tỉ đồng, nhưng việc thị trường chứng khoán giảm sâu trong quí I khiến công ty này phải trích dự phòng giảm giá, mua bán chứng khoán tới gần 123 tỉ đồng. 

Các khoản trích lập lớn nhất nằm ở khoản đầu tư vào cổ phiếu các công ty TCT CP Thiết bị điện Việt Nam (Mã: GEX), CTCP Chứng khoán IB (Mã: VIX)... 

Chứng khoán cũng chính là khoản mục tài sản chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu của MHC, giá trị 383 tỉ đồng; ngoài ra công ty còn 231 tỉ đồng phải thu từ đặt cọc mua cổ phiếu, trái phiếu. Trong khi đó, tổng tài sản của MHC chỉ ở mức 579 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là kho vận tải hàng hóa đường thủy và kinh doanh hàng hải... 

Đông A

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.