|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những cột mốc ấn tượng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2021

08:27 | 05/02/2022
Chia sẻ
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam trong năm qua đã thay đổi và dần dịch chuyển sang các nền tảng TMĐT.

Vừa qua, Lazada đã công bố báo cáo toàn cảnh ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ COVID-19.

Theo Lazada, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 trong năm qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế cả nước, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, cản trở hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, cũng trong năm 2021, ngành Thương mại điện tử (TMĐT) lại chứng kiến nhiều cột mốc tăng trưởng quan trọng và mở ra nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Những con số ấn tượng năm 2021

Năm qua, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt 13 tỷ USD, dự kiến tăng lên 39 tỷ USD vào năm 2025. Đồng thời, thị trường tiêu dùng trực tuyến mới ở Việt Nam tính đến nửa đầu năm 2021 cũng đạt 8 triệu người.

Năm 2021, 84% người thuộc Thế hệ X (nhóm người sinh ra trong khoảng thời gian 1965 – 1980) và 4,5 triệu người tiêu dùng mới ở các khu vực phi thành thị đã tham gia mua sắm trên các nền tảng TMĐT ở Việt Nam. 

Nhiều người tiêu dùng lớn tuổi và ở khu vực phi thành thị ngày càng cởi mở hơn với TMĐT. Trong đó, 53% người tiêu dùng thừa nhận rằng mua sắm hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần thói quen của họ. Ngành hàng bách hóa phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng TMĐT.

Có 64% người dùng internet tại Đông Nam Á đã mua hàng bách hóa trực tuyến ít nhất một lần trong năm 2021. Ngoài ra, khoảng 40% người bán mới đến từ các khu vực phi thành thị. Mua bán qua các nền tảng TMĐT đang dần trở nên phổ biến ở các khu vực ngoại thành, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành TMĐT tại Việt Nam.

Với riêng Lazada, một trong những ông lớn ngành TMĐT tại Việt Nam, cũng ghi nhận những con số ấn tượng. Cụ thể, đơn hàng giao nhanh nhất năm qua của Lazada được thực hiện chỉ trong 30 phút (giai đoạn giãn cách xã hội) và 8 phút (tháng 12). Trong quý III/2021, số lượng nhà bán hàng mới trên Lazada cũng tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng quan thị trường TMĐT Việt Nam

Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng ổn định trong 5 năm qua. Trong năm 2016, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ ở Việt Nam chỉ đạt 5 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 doanh thu này đã tăng gấp 2 lần, đạt trên 10 tỷ USD. 

Đà tăng trưởng này vẫn được duy trì vào năm 2020, khi đạt 11,8 tỷ USD, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 5 năm qua, các chuyên gia vẫn đánh giá cao ngành TMĐT bán lẻ Việt Nam khi họ dự báo ngành này sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025.

Thị trường TMĐT Việt Nam đạt 13 tỷ USD, thu hút thêm 8 triệu người dùng mới chỉ trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 1.

Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2020. (Nguồn: Lazada).

Tính tới nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Sự gia tăng số lượng người dùng mới từ các khu vực này là một tín hiệu tích cực về tiềm năng mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật số nói chung và TMĐT nói riêng. 

Những sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng trong thời kỳ giãn cách xã hội, đã thúc đẩy sự phát triển ấn tượng của ngành TMĐT trong nước.

Tỷ lệ người dùng TMĐT tại Việt Nam có xu hướng tăng cao với 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. 

Ngoài ra, theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek, Bain & Company, người tiêu dùng Đông Nam Á đang sử dụng nhiều hơn 4 dịch vụ số so với mức sử dụng của họ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Nói cách khác, tiêu dùng kỹ thuật số đang trở thành lối sống của người tiêu dùng Đông Nam Á và Việt Nam.

Thị trường TMĐT Việt Nam đạt 13 tỷ USD, thu hút thêm 8 triệu người dùng mới chỉ trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 2.

Số lượng dịch vụ trung bình một người tiêu dùng sử dụng theo thời gian. (Nguồn: Lazada).

Theo Sách trắng về TMĐT Việt Nam năm 2021 của Bộ Công thương, hình thức thanh toán khi mua sắm trực tuyến chủ yếu vẫn là thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD), nhưng tỷ lệ này đã giảm từ 86% trong năm 2019 xuống 78% trong năm 2020. 

Mặt khác, mặc dù mức độ còn thấp nhưng tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn hình thức thanh toán kỹ thuật số qua ví điện tử, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ cào đều tăng nhẹ trong giai đoạn từ năm 2019 - 2020. 

Các dịch vụ thanh toán điện tử đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường TMĐT và dự kiến sẽ sớm đạt được mức tăng trưởng đáng kể. Đây cũng sẽ là một xu hướng giàu tiềm năng cho các nền tảng TMĐT 14 trong những năm tới. Trong năm 2021, có 81% nhà bán hàng trực tuyến mong muốn tăng mức sử dụng hình thức thanh toán điện tử trong hai năm tới.

Các xu hướng TMĐT nổi bật

Mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment)

Trong những năm gần đây, các hình thức giải trí và sự kiện trực tuyến ghi nhận sự tăng trưởng đột biến, một phần đến từ tác động của Covid-19, nhưng phần lớn là do sự chào đón của người tiêu dùng dành cho Shoppertainment – hoạt động mua sắm kết hợp với giải trí.

Với các trải nghiệm tương tác phong phú, Shoppertainment đã thâm nhập một cách hiệu quả vào thói quen của người tiêu dùng trực tuyến và trở thành xu hướng dẫn đầu trên TMĐT năm 2021.

Mua sắm hàng bách hóa chuyển dịch từ ngoại tuyến sang trực tuyến

Bách hoá trực tuyến là ngành hàng duy nhất duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ khi đại dịch bắt đầu xảy ra ở Việt Nam. Theo báo cáo của Deloitte: Hơn 50% người tiêu dùng ViệtNam giảm tần suất đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống trong giai đoạn "bình thường mới" và 25% trong số họ tăng cường mua sắm trực tuyến. Các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày, trước đây vốn được tiêu thụ chủ yếu thông qua các kênh truyền thống, giờ đã trở thành mặt hàng trực tuyến bán chạy nhất trong thời kỳ giãn cách xã hội.

Theo báo cáo của iPrice, lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa bách hóa trực tuyến tăng 223% trong quý II/2021. Lượt tìm kiếm trong tháng 7 tăng 11 lần so với tháng 5 và 3,6 lần so với tháng 6. Hơn nữa, trong cùng quý, thống kê cho thấy mọi người quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm tươi sống, thịt và cá, đồ uống, thực phẩm đóng gói và rau quả với mức tăng trưởng lần lượt là 99%, 51%, 30% và 11% so với quý I/2021.

Thị trường TMĐT Việt Nam đạt 13 tỷ USD, thu hút thêm 8 triệu người dùng mới chỉ trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 3.

Tỷ trọng mua sắm trực tuyến đối với các sản phẩm bách hóa ở khu vực Đông Nam Á nửa đầu năm 2021 và lý do người tiêu dùng Việt tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trực tuyến. (Nguồn: Lazada).

Sự thịnh hành của mô hình kinh doanh trực tuyến

Thị trường TMĐT tại Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển lớn thông qua sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp mới tham gia TMĐT trong hai năm qua.

Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia nền tảng TMĐT tăng từ 17% trong năm 2019 lên 22% trong năm 2020. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng thông qua các nền tảng TMĐT cũng tăng từ 19% vào năm 2019 lên 29% vào năm 2020.

Có thể nói, xây dựng mô hình kinh doanh trực tuyến nói chung và kinh doanh trên TMĐT nói riêng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách vật lý giữa nhà bán hàng và khách hàng tiềm năng, thiết lập kênh kinh doanh hiệu quả, thông suốt, rút ngắn khoảng cách cung - cầu bằng cách theo dõi dữ liệu cụ thể và tận dụng các công cụ kỹ thuật số linh hoạt. 

Đó là lý do mô hình kinh doanh trực tuyến trên các nền tảng TMĐT trở thành xu hướng thịnh hành trong năm vừa qua dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Logistics nội bộ là chìa khóa tạo ra sự khác biệt

Giai đoạn trước COVID-19, phần lớn các nền tảng TMĐT và các nhà bán lẻ thường chọn hình thức giao hàng bởi 3PLs (các đối tác logistics) để tiết kiệm chi phí và đầu tư vào các hạng mục công nghệ khác. 

Nhưng dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và địa phương, thách thức sự phối hợp giữa người bán và nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ, kho bãi & hậu cần trong việc cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng. 

Trước những thách thức này, bên cạnh việc duy trì hợp tác với các đối tác logistics, các nền tảng TMĐT cũng đang dành mối quan tâm và đầu tư lớn hơn vào việc phát triển dịch vụ logistics nội bộ, nhằm đảm bảo trải nghiệm khách hàng luôn được thông suốt.

Hoạt động vì cộng đồng giúp các thương hiệu nâng cao giá trị và kết nối người tiêu dùng

Theo nhiều báo cáo và khảo sát, người tiêu dùng ngày nay có xu hướng lựa chọn các thương hiệu tạo ra giá trị khác biệt và có ý nghĩa trong cộng đồng - đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch.

Thị trường TMĐT Việt Nam đạt 13 tỷ USD, thu hút thêm 8 triệu người dùng mới chỉ trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 4.

Một chiến dịch vì cộng đồng của Lazada. (Nguồn: Lazada).

Nếu một thương hiệu được gắn với hình ảnh "có trách nhiệm", "nhân ái" hoặc "đạo đức", thì sẽ được ghi nhớ lâu hơn và được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Các thương hiệu ngày nay cần nỗ lực trong việc tạo ra kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng, đặc biệt là thông qua các hoạt động có ý nghĩa cộng đồng, từ đó tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Báo cáo "Global Marketing Trends 2020" của Deloitte cho thấy các công ty có nhiều hoạt động, sáng kiến vì cộng đồng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng hơn, cả về thị phần và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm, đồng thời đạt được sự hài lòng của nhân viên và khách hàng cao hơn. 

Trong khi đó, một báo cáo toàn cầu gần đây của Havas Media Group cũng đã chỉ ra rằng các công ty công nghệ đã nâng cao giá trị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch bằng cách cung cấp dịch vụ giao hàng bách hóa nhanh chóng, giá cả phải chăng và không ngừng sáng tạo ra các cách thức mới để kết nối với khách hàng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Anh