Những con số này đang nói lên thực trạng thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam
30 tỷ USD đang bị mắc kẹt
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), tính đến tháng 9/2021, cả nước có tổng số 239 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, ước tính giá trị dự án condotel đạt khoảng 297.128 tỷ đồng; dự án villa ước tính 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse khoảng 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị ba sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Các dự án bất động sản du lịch chủ yếu tập trung tại 15 địa phương bao gồm: Hoà Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Bình, Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hoà), Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang).
Đáng chú ý, hầu hết các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đến nay đều chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) cho nhà đầu tư thứ cấp, nên chưa thể giao dịch, mua bán. Theo giới chuyên gia, chính những vướng mắc trong quy định pháp lý chưa được giải quyết triệt để khiến bất động sản nghỉ dưỡng gặp khó, kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư thứ cấp.
100.000 căn condotel nằm chờ “thân phận”
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), trong 8 năm qua, các địa phương vẫn chưa cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở” theo quy định tại Điều 104 Luật Đất đai và Điều 32 Nghị định 43 cho các công trình xây dựng không phải là nhà ở.
Trong đó có khoảng 100.000 căn hộ du lịch (condotel) chưa được cấp giấy chứng nhận theo các quy định pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó, lại có một số địa phương tuỳ tiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel và tự đặt ra khái niệm đất ở không hình thành đơn vị ở. Trong khi việc này đã được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, kết luận là trái với các quy định của Luật Đất đai 2013.
Do vậy, hầu như các chủ sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (là các công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trong 8 năm qua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch.
Giải cứu bằng cách nào?
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, việc chậm cấp sổ hồng cho công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch, trong đó có căn hộ du lịch, hoàn toàn không phải do quy định của Luật Đất đai gây ra.
Nguyên nhân chủ yếu là do Luật Xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản chưa quy định cụ thể, để thực hiện quy định việc cấp Giấy chứng nhận thì “phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật” mà ở đây là phải theo quy định của Luật Xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, Luật Du lịch cũng chưa đồng bộ, chưa liên thông. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do công tác thực thi pháp luật của các địa phương.
Do đó, Hiệp hội này đề nghị sửa đổi khoản 6 Điều 1 "Dự thảo Nghị định" bổ sung “Điều 32a” Nghị định 43 như sau: “Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại, dịch vụ”.
Theo đó, chủ sở hữu công trình xây dựng trên được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
HoREA cũng đề nghị, khi xem xét sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản 2014, Luật Xây dựng 2014, Luật Đất đai 2013, Luật Du lịch 2017 thì xem xét bổ sung các quy định pháp luật để điều chỉnh đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành đối với loại hình công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch.
Còn theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ nên có một văn bản sau khi đã xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc về cách áp dụng pháp luật hiện hành để giải quyết các dự án đang bị ách tắc. Văn bản như vậy cũng là cơ sở để sửa đổi triệt để các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Về lâu dài, đòi hỏi phải có chính sách thu hút vốn đầu tư một cách hiệu quả, tạo ra được sự hấp dẫn về lợi ích cho các bên tham gia và đảm bảo tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Vị chuyên gia này lấy ví dụ, nếu cho các bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được sử dụng đất lâu dài thì đây chính là sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Tuy nhiên, cần dựa trên quy hoạch và nhu cầu sử dụng đất để cấp quyền sử dụng ngắn hạn hay dài hạn chứ không phải loanh quanh ở tên gọi “đất ở không hình thành đơn vị ở” hay tên gọi khác. Quy hoạch phải cụ thể từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để thực thi một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo ông Võ, có thể cân nhắc sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng cho phép người cần đất được lựa chọn giữa hai hình thức mua lâu dài quyền tài sản đất đai hoặc thuê đất với mọi loại đất.
Chẳng hạn, nếu mua quyền tài sản đất đai lâu dài sẽ phải chịu thuế tài sản với tỷ suất cao, thuê quyền sử dụng đất có thời hạn thì chỉ phải chi trả tiền thuê đất cho Nhà nước. Không nên dựa vào mục đích sử dụng đất để quy định đất đó là dài hạn hay ngắn hạn. Cách quy định đó rất bất hợp lý, gây khó khăn cho việc quản lý.