|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn làm ăn ra sao trong nửa đầu năm 2023?

15:57 | 12/09/2023
Chia sẻ
Đây đều là các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết, hiện đang là chủ đầu tư của các dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Quốc,…

(Ảnh minh họa: TTXVN).

Loạt doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết có hoạt động trong mảng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính 6 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, ở nhóm doanh nghiệp báo lãi phải kể đến CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (gọi tắt là Du lịch Phú Quốc) với LNST 6 tháng đầu năm gần 832 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Du lịch Phú Quốc hiện đang vận hành 7 thương hiệu tại đảo Ngọc gồm: Vườn thú Vinpearl Safari, tổ hợp giải trí VinOasis cùng các khu nghỉ dưỡng như Vinpearl Resort & Golf, Vinpearl Resort & Spa, Discovery 1 - 2 và 3 tại TP Phú Quốc (Kiên Giang).

CTCP Bất động sản BIM (BIM Land) báo lãi hơn 810 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

BIM Land là thành viên của Công ty TNHH Tập đoàn BIM (BIM Group). Theo giới thiệu của doanh nghiệp, BIM Land đang phát triển quỹ đất 560 ha tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Lào với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này đang tham gia đầu tư và phát triển một số dự án như Khu nghỉ dưỡng InterContinental Residences Halong Bay, khu nghỉ dưỡng Park Hyatt Phu Quoc Residences (Bãi Trường, Phú Quốc), Phu Quoc Marina Square; Grand Bay Halong,…

CTCP Flamingo Holding Group lãi sau thuế hơn 25 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp hiện là chủ đầu tư một số dự án nghỉ dưỡng như Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc), Flamingo Cát Bà (Hải Phòng), Flamingo Hải Tiến (Thanh Hóa), Flamingo Linh Trường Khu B (Hoằng Hóa, Thanh Hóa),...

CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vân Đồn (CEO Vân Đồn) ghi nhận lãi sau thuế gần 117 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ.

CEO Vân Đồn (công ty con thuộc CEO Group) được biết đến là chủ đầu tư Phân khu 1 (rộng 150) thuộc dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (gồm tổng cộng 3 phân khu), nằm tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

CTCP Câu lạc bộ Du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh vừa công bố tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2023 với một số chỉ tiêu cơ bản. Trong đó, doanh nghiệp ghi nhận khoản lãi sau thuế gần 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 112 tỷ đồng.

Câu lạc bộ Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh là một thành viên trong hệ sinh thái doanh nghiệp của đại gia Cá Tầm Lê Anh Đức. Doanh nghiệp đang được nói đến là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Cam Ranh City Gate quy mô hơn 47 ha. Dự án tọa thuộc khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh, trên trục Đại lộ Nguyễn Tất Thành, thuộc địa phận thị xã Cam Ranh (gần sân bay quốc tế Cam Ranh).

Theo thông tin tài chính vừa công bố, 6 tháng đầu năm 2023, Công ty TNHH KN Cam Ranh ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 147 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2022.

KN Cam Ranh là công ty con của CTCP Đầu tư Kinh doanh Golf Long Thành và thuộc hệ sinh thái KN Investment Group của ông Lê Văn Kiểm. Doanh nghiệp là chủ đầu tư của "siêu dự án" KN Paradise có tổng vốn đầu tư hơn 46.300 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD).

(H.L tổng hợp).

Trong khi đó, CTCP Crystal Bay tiếp tục báo lỗ gần 136 tỷ đồng trong nửa đầu năm (cùng kỳ lỗ hơn 17 tỷ đồng). Doanh nghiệp này đang đầu tư vào khá nhiều dự án du lịch nghĩ dưỡng tại các tỉnh miền Trung, có thể kể đến như: Ninh Chữ Sailing Bay (Ninh Thuận) với tổng vốn đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng; SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang (Ninh Thuận) vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng hay dự án Crystal Marina Bay (Khánh Hoà) với vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn đang đầu tư vào "siêu dự án" con đường di sản Vân Đồn (Vân Đồn Henritage Road) với quy mô hơn 3.300 ha, trong đó, điểm nhấn là tòa cao ốc 88 tầng, quy mô 3.061 phòng.

Tương tự, CTCP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang (gọi tắt là Eurowindow Nha Trang) lỗ sau thuế gần 124 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 (cùng kỳ doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 290 tỷ đồng).

Trên thị trường bất động sản, Eurowindow Nha Trang được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Radisson Blu Resort Cam Ranh (11,4 ha), Movenpick Resort Cam Ranh (22,3 ha),...

CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco) tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 10 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 (cùng kỳ lỗ hơn 5 tỷ đồng).

Du lịch Vạn Hương (thành viên Tập đoàn Geleximco) là chủ đầu tư của dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng - Dragon Ocean Đồ Sơn tại Hải Phòng. Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng có tổng diện tích 480 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 30.000 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm nay, CTCP Sunbay Ninh Thuận ghi nhận khoản lỗ gần 2,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 4 tỷ đồng.

Sunbay Ninh Thuận (thuộc Tập đoàn Crystal Bay) là chủ đầu tư tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort có tổng mức đầu tư 4.779 tỷ đồng tại phường Mỹ Bình, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

(H.L tổng hợp).

Thực tế, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, nhất là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã ghi nhận sự ảm đạm do chịu ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn dịch COVID-19, việc các doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm kết quả kinh doanh là chuyện dễ hiểu.

Theo thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường, hiện các thủ phủ du lịch miền duyên hải cả nước có gần 30.000 căn shophouse, nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng tồn đọng, giá hàng chục tỷ đồng một căn. Sức tiêu thụ yếu khiến tồn kho hơn 90% sản phẩm, là gánh nặng rất lớn cho chủ đầu tư vì phát sinh chi phí tài chính là vốn vay để phát triển các dự án.

Bộ phận R&D của DKRA Group cảnh báo tổng lượng tồn kho các tài sản nhà liền thổ ven biển tăng lên xấp xỉ 30.000 sản phẩm. Riêng sản phẩm biệt thự biển, tồn kho lũy tiến đến cuối quý II/2023 lên đến 15.000 căn cả miền Bắc và Nam. Trong đó, 2.400 căn đã mở bán nhưng ế và khoảng 12.600 căn thuộc giai đoạn tiếp theo của các dự án còn lưu kho, vướng giai đoạn bất động sản đóng băng nên chưa kịp tung ra thị trường.

Ở phân khúc nhà phố, shophouse biển, tồn kho đến cuối tháng 6 cũng vào khoảng gần 15.000 căn. Trong đó, gần 2.500 căn đã mở bán nhưng chưa có khách mua và khoảng 12.400 căn thuộc các dự án đã công bố ra thị trường nhưng nằm chờ, chưa thể tung ra khi địa ốc khủng hoảng.

Số liệu bán hàng cho thấy trong quý II, chỉ 33 căn shophouse được bán, giảm 97% và 50 căn biệt thự được bán, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước áp lực về dòng tiền, nhiều chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng chính sách chiết khấu lên đến 40 - 50% khi thanh toán nhanh nhằm nhanh chóng thu hồi vốn cũng như giúp tăng thanh khoản.

Các chuyên gia DKRA cho rằng, việc nhiều chủ đầu tư tập trung tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau thời gian chịu tác động bởi những bất ổn kinh tế cũng như sức ép đáo hạn trái phiếu giai đoạn cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới.

Hà Lê

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).