Những cổ phiếu nâng đỡ VN-Index trong phiên thị trường chứng khoán rực lửa
Kết phiên 21/9, chỉ số VN-Index mất 10,6 điểm, VN30-Index cũng sụt 12,4 điểm, tương ứng với tỷ lệ 0,79% và 0,85%. Tuy nhiên, thị trường chỉ có 4 mã kịch sàn (trong đó không có mã nào thuộc VN30) và các chỉ số cũng đóng cửa ở trên mức thấp nhất phiên, cho thấy nhà đầu tư chưa hoảng loạn bán tháo.
Cả ba cổ phiếu họ Vingroup là VIC (Tập đoàn Vingroup), VHM (Vinhomes) và VRE (Vincom Retail) đều rực đỏ đã kéo chỉ số bluechip VN30 xuống sâu hơn so với thị trường chung.
VHM đóng cửa giảm 3% còn 77.500 đồng/cp, mức giá thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. VIC sụt 1,3% còn 85.600 đồng/cp, thấp nhất kể từ cuối tháng 1. VRE mất 3,1% và kết phiên ở 28.400 đồng/cp, ghi nhận mức giảm sâu nhất VN30.
Ba cổ phiếu vốn hóa lớn này đều góp mặt trong top 10 mã tác động tiêu cực nhất tới VN-Index.
Nhiều cổ phiếu bluechip khác cũng làm cho VN-Index mất điểm như HPG (Hòa Phát), GAS (PV Gas), ... Nhóm ngân hàng có nhiều cái tên giảm sút như VCB (Vietcombank), CTG (VietinBank), TCB (Techcombank) ...
Trong số 27 cổ phiếu ngân hàng trên HOSE, HNX và UPCoM phiên hôm nay có tới 24 mã giảm giá (không có giảm sàn), một mã đứng giá (KLB của Kienlongbank) và hai cái tên giữ được sắc xanh là OCB của Ngân hàng Phương Đông và VIB của Ngân hàng Quốc tế.
VIB và OCB cũng nằm trong top 10 nâng đỡ VN-Index đắc lực nhất phiên 21/9.
Cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho chỉ số thị trường ngày hôm nay là DGC của Hóa chất Đức Giang. Với mức tăng 6,2%, đây là phiên đi lên thứ 8 liên tiếp của DGC. Giá cổ phiếu này hiện đang ở đỉnh lịch sử 156.700 đồng/đơn vị, vốn hóa đạt trên 26.800 tỷ đồng (tức gần 1,2 tỷ USD).
Nhóm VN30 có 4 mã đóng cửa trên tham chiếu là VNM (Vinamilk), MSN (Masan), MWG (Thế Giới Di Động) và BVH (Bảo Việt). Trong đó, MSN, MWG và BVH nằm trong top ảnh hưởng tích cực tới VN-Index.
Bên cạnh MWG và MSN, một số cổ phiếu bán lẻ khác cũng tăng giá trong ngày hôm nay như DGW (Thế Giới Số) hay FRT (FPT Retail) khi Hà Nội bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách, không kiểm tra giấy đi đường và cho phép một số hoạt động bán hàng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực sau khi chứng khoán Mỹ và châu Âu lao dốc trong đêm 20/9 vì nhà đầu tư lo ngại nguy cơ tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc sắp phá sản, tạo nên rủi ro lan truyền ra hệ thống tài chính thế giới.
Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) họp trong hai ngày 21-22/9 và có thể quyết định cắt giảm chương trình bơm tiền.
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục sau phiên bán tháo. Tính đến 0h ngày 22/9 theo giờ Việt Nam (tức giữa trưa 21/9 theo giờ Mỹ), Dow Jones đang tăng hơn 100 điểm, S&P 500 và Nasdaq đi lên lần lượt 0,3% và 0,4%. Tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán chính đều đang tăng hơn 1%.