5 nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ rực lửa phiên đầu tuần
Chỉ số S&P 500 mất 1,7%, đóng cửa ở gần 4.358 điểm. Đây là phiên giảm sâu nhất của chỉ số này kể từ ngày 12/5, tức là hơn 4 tháng trước. Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thành phần đều kết phiên dưới tham chiếu.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 614 điểm, tương đương 1,8%, và đóng cửa ở 33.970 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/7. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng sụt 2,2% còn 14.714 điểm.
Một tín hiệu đáng mừng về phiên đầu tuần 20/9 là Dow Jones đóng cửa cao hơn nhiều so với đáy của ngày, đã có lúc chỉ số gồm 30 bluechip này mất tới 971 điểm.
Theo CNBC, 5 nguyên nhân của phiên bán tháo đầu tuần này bao gồm:
Thứ nhất, nhà đầu tư lo ngại nguy cơ rủi ro từ thị trường bất động sản nhiều vấn đề của Trung Quốc sẽ lan truyền khắp các thị trường tài chính. Trong giờ giao dịch châu Á, thị trường chứng khoán Hong Kong đã lao dốc ồ ạt, chỉ số Hang Seng sụt 4%. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu cũng giảm gần 1,7%.
Cổ phiếu của Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - bay hơi 10% khi nguy cơ vỡ nợ cận kề, thanh khoản cạn kiệt.
Ngày 23/9 tới đây, Evergrande sẽ phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi cho lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 3/2022. Ngày 29/9, tập đoàn này phải trả 47,5 triệu USD tiền lãi cho lô trái phiếu khác đáo hạn vào tháng 3/2024.
Thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách hai ngày 21-22/9 và nhà đầu tư lo rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ thông báo cắt giảm hỗ trợ tiền tệ trong bối cảnh lạm phát bắt đầu tăng và thị trường việc làm có cải thiện.
Thứ ba, số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày tại Mỹ tăng mạnh vì biến thể Delta, hiện nay đang cao ngang mức cuối tháng 1/2021 khi thời tiết lạnh dần.
Thứ tư, theo dữ liệu lịch sử, tháng 9 là quãng thời gian mà thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tiêu cực nhất trong năm và đà giảm thường mạnh hơn vào nửa cuối tháng.
Thứ năm, nhà đầu tư còn bất an về sự đối đầu của hai đảng Dân chủ - Cộng hòa tại Washington khi hạn chót để nâng trần nợ công đang đến gần. Quốc hội đang nỗ lực tìm cách thông qua một dự luật chi tiêu để tránh cảnh chính phủ phải đóng cửa.
Làn sóng bán tháo trong phiên 20/9 đã có lúc đẩy S&P 500 xuống thấp hơn 5% so với đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lao vào bắt đáy đã giúp thị trường cải thiện về cuối phiên. S&P 500 đóng cửa thấp hơn chỉ 4,1% so với đỉnh thiết lập hôm 2/9.
Từ tháng 10/2020 đến nay, S&P 500 chưa từng ghi nhận đợt giảm nào quá 5%, tính theo giá đóng cửa.
Các cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đều lao dốc trong phiên 20/9. Ford sụt 5%, General Motors và Boeing mất lần lượt 3,8% và 1,8%. Tập đoàn sản xuất thép Nucor giảm 7,6%.
Cổ phiếu năng lượng cũng sa sút khi giá dầu thô WTI giảm gần 2% giữa lo ngại về nền kinh tế thế giới. Chỉ số phụ ngành năng lượng sụt 3%, tiêu cực nhất trong số 11 nhóm thành viên của S&P 500. Cổ phiếu Occidental Petroleum và Devon Energy cùng giảm hơn 5%.
Giá trái phiếu tăng khi nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản an toàn để trú ẩn. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 6 điểm cơ bản còn 1,31%, lợi suất và giá biến động ngược chiều.
Cổ phiếu ngân hàng cũng xuống dốc vì mặt bằng lãi suất thấp sẽ tác động tiêu cực tới lợi nhuận ngân hàng. Bank of America và JPMorgan Chase giảm lần lượt 3,4% và 3%.