Những 'chiêu thức' lũng đoạn TrustBank của bà Hứa Thị Phấn
Ngày 24/3 Cục Cảnh sát kinh tế (C46) - Bộ Công an đã khám xét nhà riêng của bà Hứa Thị Phấn tại số 3 Công Lý, Q. Thủ Đức (TPHCM). Được biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can bà Hứa Thị Phấn.
Trước đó, ngày 24/1/2017, TAND TPHCM đã tuyên án sơ thẩm đại án 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), tiền thân là Ngân hàng Đại Tín - TrustBank. Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng công bố quyết định khởi tố tại tòa đối với nhóm bà Hứa Thị Phấn để làm rõ vấn đề lừa đảo như lập hồ sơ mà không cho vay, mua bán bất động sản mà không nộp thuế; đồng thời khởi tố "chân rết" của bà Phấn là nhóm Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch TrustBank.
Trong đó, bà Phấn bị cho là có nhiều hành vi sai phạm dẫn đến việc TrustBank bị âm vốn chủ sở hữu lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.600 tỷ đồng trước khi chuyển nhượng cho ông Phạm Công Danh. Bà Phấn được cho đã sử dụng 29 cá nhân vay tiền có thế chấp hoặc không thế chấp để lấy tiền Ngân hàng Đại Tín mà mình có hơn 84% vốn cổ phần.
Hứa Thị Phấn tại phiên toà xét xử đại án có liên quan đến bị cáo Phạm Công Danh. (Nguồn: Dân trí). |
Bị giả hồ sơ, ghi nợ khống
Theo hồ sơ tại Ngân hàng Đại Tín, năm 2010, Công ty Phương Trang có làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng này với 47 hồ sơ vay và một khoản mua bán trái phiếu doanh nghiệp (đứng tên Công ty Trường Vỹ), với tổng số tiền được Đại Tín ghi là 9.437 tỷ đồng, trong đó có 7.437 tỷ đồng là tiền vay và 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu doanh nghiệp. Tài sản đảm bảo cho số tiền vay này bao gồm: bất động sản, xe ô tô... được chính TrustBank định giá 14.500 tỷ đồng.
Khi bị ghi nợ lên tới 9.437 tỷ đồng, Công ty Phương Trang đã đối chiếu công nợ và khẳng định chỉ vay khoảng 3.400 tỷ đồng. Qua nhiều lần xác minh, có cả Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng kết luận, Công ty Phương Trang chỉ nợ TrustBank 3.400 tỷ đồng. Thế nhưng, bà Phấn và lãnh đạo TrustBank vẫn cố tình ghi nợ khống cho Công ty Phương Trang thành 9.437 tỷ đồng.
Hàng loạt các văn bản lưu giữ cho thấy Công ty Phương Trang nhiều lần xin được trả khoản nợ gần 3.400 tỷ đồng này để giải chấp khối tài sản 14.500 tỷ đồng ra nhưng chưa được. Các phương án đưa ra với mong muốn được trả nợ của Công ty Phương Trang cũng được ông Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc TrustBank thừa nhận với các cơ quan chức năng. Như vậy, không chỉ bị kê khống nợ, Công ty Phương Trang còn bị lãnh đạo TrustBank và bà Phấn quản thủ trái phép tài sản với số lượng lớn trong nhiều năm.
Câu hỏi đặt ra là 6.037 tỷ đồng kê khống nợ cho Công ty Phương Trang ấy được rút khỏi nhà băng như thế nào? Bà Phấn một mình có thể rút được số tiền ấy không nếu như không có chữ ký của nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín là ông Hoàng Văn Toàn?
Một trong những bất động sản của Hứa Thị Phấn đang được cho thuê lại. (Nguồn: Dân trí). |
Thâu tóm, lũng đoạn TrustBank
Theo điều tra, trong 2 năm 2009 – 2010, bà Phấn sở hữu 84,92% cổ phần trong nhóm cổ đông Phú Mỹ và đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng nhờ người đứng tên thâu tóm TrustBank.
Với việc nắm giữ 84,92% cổ phần TrustBank, bà Phấn tiếp tục dùng sự ảnh hưởng của mình cấu kết với “hai cánh tay đắc lực” là Chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Toàn và Tổng Giám đốc Trần Sơn Nam "rút ruột" TrustBank thông qua các phi vụ đầu tư, mua bán bất động sản…
Với sự góp sức của nguyên Chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Toàn và Tổng Giám đốc Trần Sơn Nam, bà Phấn đã rút ruột nhà băng này thêm hàng ngàn tỷ đồng khác. Cụ thể, thông qua việc mua bán tài sản giá thấp, nâng khống bán lại cho TrustBank giá cao tại căn nhà 10 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1 với giá khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, căn nhà 426 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch...
Cũng bằng “bàn tay ma thuật” của mình, Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo đầu tư 330 tỷ đồng vào 2 dự án The Star City và Go – Go City (huyện Nhà Bè, TPHCM) do Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang (công ty con do bà Phấn lập ra) làm chủ đầu tư.
Được biết, 2 dự án này hiện vẫn chỉ là bãi đất trống. TrustBank tạm ứng tiền công đoàn 135 tỷ đồng lại để góp vốn với chính Công ty Lam Giang của bà Phấn. Nhà băng này còn tạm ứng cho Công ty chứng khoán Đại Việt (có vốn góp của nhóm bà Phấn) 200 tỷ đồng, 700 tỷ đồng là số tiền bà Phấn, Hoàng Văn Toàn mang đi gửi tại các tổ chức khác cũng chưa thu hồi được.
Tổng số tiền Ngân hàng Đại Tín đã mua bất động sản thời điểm này hơn 3.600 tỷ đồng, số tiền vi phạm vượt mức luật cho phép hơn 2.100 tỷ đồng.