|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những nguồn vốn giúp FLC thực hiện hàng loạt dự án

05:19 | 22/04/2019
Chia sẻ
Với nhiều dự án trong các lĩnh vực bất động sản, hàng không, nông nghiệp, ... đang chờ triển khai, Tập đoàn FLC đang có nhu cầu vốn rất lớn. Ngoài vay của các ngân hàng trong nước, FLC còn vay của các ngân hàng nước ngoài như Thụy Sỹ, Trung Quốc cũng như huy động thêm vốn chủ sở hữu từ cổ đông.

Vay Ngân hàng Công Thương Trung Quốc: Trả hết lại vay

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 của CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) lần đầu xuất hiện phần thuyết minh về một hợp đồng tín dụng mà FLC ký kết với Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC).

Hợp đồng tín dụng giữa Tập đoàn FLC và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) lần đầu tiên được trình bày tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 của FLC. Cụ thể, tại phần thuyết minh về các khoản vay và nợ thuê tài chính, Tập đoàn FLC cho biết Hợp đồng tín dụng mang số ICBC.DN.2017.7 ngày 28/3/2017 có hạn mức vay là 120 tỉ đồng. Thời hạn vay 365 ngày, được tính từ ngày giải ngân đầu tiên. Lãi suất được quy định trên từng khế ước nhận nợ, trong đó lãi suất đối với kỳ hạn 3 tháng là 8,5%/năm, đối với kỳ hạn 6 tháng là 8,7%/năm. Khoản vay dùng để bổ sung vốn lưu động cho FLC.

Có những quí FLC vay ICBC tổng cộng hơn 220 tỉ đồng nhưng đồng thời số tiền mà FLC thanh toán cho ICBC cũng lên tới 120 tỉ đồng (như quí IV/2017). Thực tế tại thời điểm cuối các quí, dư nợ vay của FLC tại ICBC chưa khi nào vượt quá 110 tỉ đồng (xin nhắc lại hạn mức vay tối đa là 120 tỉ đồng).

Đến cuối quí II/2018, báo cáo tài chính hợp nhất của FLC cho biết tập đoàn đã thanh toán hết số dư cho ngân hàng ICBC và dư nợ tại thời điểm 30/6 là 0 đồng. Đến ngày 30/9, số dư này tiếp tục bằng 0.

Những nguồn vốn giúp FLC thực hiện hàng loạt dự án - Ảnh 1.

Dư nợ vay của FLC với Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) thời điểm cuối các quí (tỉ đồng). Nguồn: Các báo cáo tài chính hợp nhất hàng quí của FLC.

Tuy vậy theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cả năm 2018, tại ngày 31/12 năm ngoái FLC lại đang vay ICBC số tiền xấp xỉ 120 tỉ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, khoản vay này được cấp dựa theo hợp đồng tín dụng số ICBC.DN.2017.7 ngày 28/3/2017 và hợp đồng tín dụng số ICBC.DNLN.2018.101 với hạn mức vay 120 tỉ đồng. Thời hạn vay 365 ngày tính từ ngày giải ngân đầu tiên, lãi suất vẫn là 8,5%/năm và 8,7%/năm tương ứng đối với các kì hạn 3 tháng và 6 tháng. Mục đích khoản vay vẫn là bổ sung vốn lưu động.

Chủ nợ nước ngoài mới Credit Suisse

ICBC là ngân hàng nước ngoài duy nhất cho FLC vay trong khoảng thời gian quí II/2017- quí II/2018. Tuy nhiên từ quí III/2018, có thêm một ngân hàng ngoại khác cho FLC vay là Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore với số dư tại ngày 30/9/2018 là 692,25 tỉ đồng.

Theo thuyết minh của FLC, khoản vay được thực hiện ngày 4/6/2018, số tiền vay 30 triệu USD, lãi suất thả nổi với biên lãi suất 5% so với lãi suất Libor. Thời gian vay 27 tháng kể từ ngày giải ngân, kì thanh toán lãi đầu tiên sau 3 tháng kể từ ngày giải ngân, kì thanh toán gốc đầu tiên sau 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Khoản vay dùng để tài trợ vốn cho các dự án FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn giai đoạn 2, FLC Quảng Bình, FLC Qui Nhơn, FLC Garden City và FLC Twin Towers.

Còn tại ngày 31/12/2018, Tập đoàn FLC có 199,2 tỉ đồng nợ dài hạn Credit Suisse đến hạn trả và 498 tỉ đồng nợ dài hạn, tổng dư nợ là 697,2 tỉ đồng.

Những nguồn vốn giúp FLC thực hiện hàng loạt dự án - Ảnh 2.

Dư nợ vay của FLC với Credit Suisse thời điểm cuối các quí và hạn mức tối đa. Nguồn: Báo cáo tài chính và công bố thông tin của FLC.

Theo tin từ Tập đoàn FLC, ngày 6/7/2018, Credit Suisse AG - chi nhánh Singapore đã giải ngân lần 1 cho FLC gói tín dụng tổng hạn mức 200 triệu USD (khoảng 4.600 tỉ đồng) theo hợp đồng hai bên đã kí kết.  

Credit Suisse là một ngân hàng Thụy Sỹ thành lập từ năm 1856, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính và hoạt động trên ba lĩnh vực chủ chốt là ngân hàng đầu tư, ngân hàng tư nhân và quản lý tài sản.

BIDV là chủ nợ lớn nhất, OCB giành ngôi á quân từ VietinBank

Đến thời điểm cuối năm 2018, Tập đoàn FLC đang vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn + dài hạn) tổng cộng 5.112 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là chủ nợ lớn nhất với 1.623 tỉ đồng, chiếm 31,75% tổng dư nợ, bao gồm gần 130 tỉ đồng nợ dài hạn đến hạn trả và 1.493 tỉ đồng nợ dài hạn.

Những nguồn vốn giúp FLC thực hiện hàng loạt dự án - Ảnh 3.

Dư nợ vay và thuê tài chính của FLC thời điểm cuối 2018. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2018.

Ở vị trí thứ hai là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với dư nợ 816 tỉ đồng, bao gồm cho vay ngắn hạn 537 tỉ đồng và cho vay qua trái phiếu 279 tỉ đồng.

Ngân hàng ngoại Credit Suisse đứng thứ ba với dư nợ 697,2 tỉ đồng như đã nói ở trên. Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) lần lượt đứng thứ tư và thứ năm với dư nợ tương ứng 559 tỉ đồng và 512 tỉ đồng.

Trong đó, tại ngày 30/6/2018, VietinBank là chủ nợ lớn thứ hai chỉ sau BIDV nhưng 6 tháng sau đã "tụt hạng" xuống thứ năm, còn OCB từ vị trí thứ tư đã vươn lên đứng thứ hai.

Ngày 19/1 năm nay, Tập đoàn FLC và Ngân hàng OCB đã tổ chức Lễ kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với sự tham dự của hai "đại gia" cùng họ Trịnh là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB, cùng lãnh đạo cấp cao của hai đơn vị.

Trên cơ sở thỏa thuận được kí kết, OCB sẽ cung cấp các giải pháp tài chính về dịch vụ tín dụng trung dài hạn, cấp vốn lưu động và tài trợ vốn để hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển dự án của Tập đoàn FLC cũng như các đơn vị thành viên.

Đồng thời, OCB cũng cung cấp các gói dịch vụ tín dụng cho khách hàng mua bất động sản tại các dự án do FLC làm chủ đầu tư.

Về phía mình, Tập đoàn FLC sẽ ưu tiên sử dụng các dịch vụ tài khoản, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ tiền gửi, giao dịch ngoại tệ… của OCB. Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC sẽ tạo điều kiện để OCB tiếp cận tài trợ tài chính và tham gia đầu tư các dự án của FLC.

Nhu cầu vốn lớn 

Tại ngày 31/12/2018, Tập đoàn FLC có tổng tài sản 25.889 tỉ đồng, nợ phải trả 16.870 tỉ đồng, bằng 65%.

Nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 5.112 tỉ đồng, chiếm 30,3% nợ phải trả và bằng 19,75% tổng tài sản. Chi phí lãi vay trong năm 2018 là 287,4 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế trước kiểm toán là 400 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh thành 470 tỉ đồng sau kiểm toán.

Hiện tại, Tập đoàn FLC đang nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý cho hơn 230 dự án tại 56 tỉnh thành cả nước, số vốn dự tính đầu tư và cam kết đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng, lớn gấp nhiều lần tổng tài sản của cả Tập đoàn. Do vậy, nhu cầu vốn trong những năm tới của FLC là khá lớn.

Các lĩnh vực mà FLC dự kiến đầu tư không chỉ bao gồm bất động sản - nghỉ dưỡng như ban đầu mà còn cả lĩnh vực y tế, nông nghiệp công nghệ cao, hàng không, ... Chỉ riêng các thỏa thuận đặt mua 20 chiếc Boeing 787 Dreamliner và 30-50 chiếc Airbus A321NEO cho công ty con Bamboo Airways đã có giá trị niêm yết hơn 10 tỉ USD.

Những nguồn vốn giúp FLC thực hiện hàng loạt dự án - Ảnh 4.

Một máy bay A321NEO của Bamboo Airways. Ảnh: Bamboo Airways.

Ngoài vốn vay, Tập đoàn FLC cũng đang lên kế hoạch huy động vốn chủ sở hữu thông qua việc phát hành gần 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 42,2%. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của FLC sẽ tăng từ 7.100 tỉ đồng hiện nay lên 10.100 tỉ đồng. Trở ngại lớn nhất của kế hoạch này là giá chào bán dự kiến lên tới 10.000 đồng/cp trong khi thị giá cổ phiếu FLC chỉ khoảng 5.000 đồng/cp. 

Kiên Dương