|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu trữ hàng tăng vì COVID-19, kho lạnh chưa thể đáp ứng

11:03 | 15/05/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu thuê kho lạnh được dự báo sẽ tăng mạnh khi nông sản vào vụ. Trong khi, số lượng kho lạnh hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông lâm thủy sản đang dần hồi phục.

Kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp ước đạt hơn 17 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2020.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho biết bước vào những tháng đầu quý II/2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều loại nông sản, thủy sản đang vào mùa vụ, dự kiến sản lượng tăng như vải thiều Bắc Giang, nhãn Hưng Yên, xoài Sơn La và nhiều loại thủy sản khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong khi đó, số lượng kho lạnh hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, cả nước hiện có 48 kho lạnh bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu).

Nhu cầu trữ hàng tăng vì COVID-19, kho lạnh thiếu trầm trọng - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản chỉ ra những nút thắt tiêu thụ nông sản trong dịch COVID-19. (Ảnh: Hoàng Anh)

Tuy nhiên, số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chỉ ra: "Tiêu thụ nông sản đang gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm, áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn".

Bên cạnh đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản và vốn ứ đọng hàng hóa.

Ngoài ra, vấn đề thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển. Các gói tín dụng hiện nay tuy có lãi suất thấp nhưng chưa đảm bảo được mọi doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp xây dựng nhiều kịch bản tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19, trong đó chú trọng đến giải pháp điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông...

Hoàng Anh