Nhu cầu nhập khẩu rau quả tăng mạnh, doanh nghiệp cần đầu tư sơ chế, chế biến để chớp được thời cơ?
Theo Tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) diện tích sản xuất rau vụ đông ở miền Bắc khoảng 400 nghìn ha, tương đương sản lượng 4,6 triệu tấn với tổng giá trị khoảng 34-35 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, các tỉnh đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Chia sẻ về năng lực sản xuất, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc hợp tác xã (HTX) rau an toàn Văn Đức (Hà Nội) cho biết: "HTX có 250 ha chuyên canh rau, cho sản lượng hàng năm vào khoảng 35.000 - 37.000 tấn. Trung bình mỗi ngày HTX cung cấp khoảng 70 - 80 tấn, cao điểm có những ngày thu gần 200 tấn rau".
Về chất lượng, sản phẩm rau đều đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP, 17 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm 3 sao.
Dù năng lực sản xuất của HTX Văn Đức đáp ứng được cả về mặt sản lượng và chất lượng song khả năng tiêu thụ vẫn chưa tương xứng, HTX mong muốn được kết nối với nhiều nhà mua trong nước và nước ngoài.
Đại diện của sàn thương mại điện tử Postmart đánh giá cơ hội xuất khẩu của ngành rau quả đang rất lớn khi một số quốc gia đang bước vào mùa đông khắc nghiệt trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy vì dịch COVID-19.
Nhu cầu tăng song các thị trường quốc tế đang tăng chỉ tiêu chất lượng với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.
Đơn cử như Châu Âu tăng tỷ lệ kiểm tra dư lượng từ 5% đến 10% trên tổng số hàng nhập khẩu với số lượng các chỉ tiêu kiểm tra là hơn 500 chất.
Ngay cả "bạn hàng" thân quen Trung Quốc cũng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch với những quy định khắt khe về chất lượng, mã số vùng trồng.
Postmart muốn kết nối với các địa phương có vùng trồng nông sản theo tiêu chuẩn xuất khẩu và cùng nhau phát triển một cách bền vững.
Đồng thời, sàn thương mại điện tử này sẽ cung cấp các dịch vụ logistics nội địa, vận tải đường biển và đường bay quốc tế kèm theo các dịch vụ hỗ trợ như kiểm dịch, chiếu xạ, hoàn tất đơn hàng.
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart nhận định chất lượng nông sản của nông dân đã cải thiện nhưng vẫn yếu về sơ chế, đóng gói.
"Từ kinh nghiệm xuất khẩu và bán lẻ nhiều năm qua, tôi cho rằng các địa phương cần đầu tư hơn vào sơ chế, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn cho các nhà mua", bà Hằng phân tích.
Do đó, các địa phương cần đưa các hệ thống sơ chế, đóng gói về cấp HTX, từ đó hỗ trợ nông dân trong khâu này.
Khi hệ thống sơ chế, đóng gói được đầu tư, Nutrimart sẽ ưu tiên cho hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, các hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.
"Chúng ta phải hướng đến chế biến để đẩy mạnh xuất khẩu, các địa phương hiện nay có nguồn hàng lớn nhưng hệ thống sơ chế, chế biến lại đang kém, chưa theo kịp năng lực sản xuất.
Việc đưa hàng hóa lên kệ siêu thị hoặc xuất khẩu thì việc tăng cường sơ chế, chế biến là không thể chậm trễ", bà Hằng nói.