10 ngày gần đây, giá rau xanh tăng giá đột biến khiến các bà nội xót ví. Các tiểu thương lý giải mùa mưa kéo dài, rau xanh của người dân bị lụt, thối hỏng khiến họ cũng phải mua sỉ với giá cao.
Khoảng 10 ngày trở lại đây, giá rau xanh tại các chợ dân sinh tăng mạnh khiến các bà nội trợ không khỏi bất ngờ, thốt lên rằng "rau đắt hơn thịt"
Khảo sát tại chợ 337 Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), các tiểu thương cho biết rau xanh tăng 30-50% tùy loại. Đỉnh điểm là các mướp xanh, lặc lè với 50.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với 1-2 tháng trước vì loại quả này đã hết mùa. Ngoài ra, cải bắp, cải thảo, đỗ cũng dao động 20.000 - 25.000 đồng/kg, tăng khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg so với tuần trước.
Bên cạnh đó, các loại rau ăn lá, thường được người dân ưa chuộng trong món xào, món lẩu cũng tăng đột biến. Cụ thể, rau muống từ 7.000 đồng/bó tăng lên 12.000 - 15.000 đồng/bó, rau cần từ 10.000 đồng/bó tăng lên 15.000 đồng/bó, cải ngồng, cải chíp từ 15.000 - 20.000 đồng/kg tăng lên 25.000 - 30.000 đồng/kg.Thậm chí, các loại rau thơm cũng "chạy đua" với rau ăn lá khi hành lá, tỏi tây từ 15.000 - 20.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg, kinh giới, mùi ta từ 2.000 đồng/bó tăng lên 5.000 đồng/bó.
Chị Hà Linh (áo xanh, phố Thành Thái, Cầu Giấy) cho biết: "Chưa bao giờ tôi mua một nắm hành tây, tỏi tây lại lên tới 35.000 đồng, bình thưởng chỉ 7.000 - 10.000 đồng. Rau thơm đắt hơn cả thịt bò. Hôm nay tôi chỉ mua 1 kg cà chua, 1 kg đỗ, 1 bó rau cải và rau thơm mà cũng ngót 150.000 đồng. Gia đình tôi cân bằng giữa thịt và rau nên dù rau đắt vẫn phải chịu, vì thiếu rau không chịu được".
Trước thắc mắc của các bà nội trợ, chị Nguyễn Thị Linh, tiểu thương chợ Dịch Vọng lý giải giá rau xanh tăng đột biến vì mưa dầm mưa dề khiến rau của nông dân bị lụt, thối, "trồng 10 cây chỉ hai cây sống". Các vựa rau miền Bắc gặp mưa, chợ đầu mối tăng nhập hàng ở Đà Lạt, chi phí vận chuyển cũng đội giá rau lên 30 - 50%, thậm chí nhiều loại tăng gấp đôi.
Tiểu thương này than thở: "Thời tiết mưa dầm, chúng tôi đi lấy hàng cũng rất vất vả, các loại rau bị dập nát, củ quả nhanh hỏng hơn. Mang tiếng giá rau cao nhưng chúng tôi cũng chỉ thu được 2.000 - 3.000/loại, trừ chi phí thuê chỗ, hao hụt cũng chẳng còn bao nhiêu".
Rau xanh là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình. Dù giá tăng cao, các bà nội trợ phải cân đối chi tiêu, đảm bảo bữa cơm có rau, có thịt.
Chị Dương Thị Liên, người dân ở quận Cầu Giấy cho biết gia đình chị thường ăn lẩu vào cuối tuần. Bình thường chị sẽ dành khoảng 50.000 - 75.000 đồng để mua rau, ngô, khoai nấm nhưng bữa ăn này rau đắt gấp đôi, mà không được đa dạng như những lần trước. "Dù giá heo giảm nhẹ nhưng tính đi tính lại nồi lẩu vẫn chênh lên 100.000 đồng. Ăn rau cho mát ruột nhưng rau đắt thì cũng xót ruột lắm", chị Liên nói.
Các tiểu thương cho biết bán rau trời mưa, giá đắt nhưng họ cũng không thu được nhiều lời.
Ngày thường, bà Phạm Thị Hảo (Quốc Oai, Hà Nội) thường dậy sớm, hái rau lên chợ bán song mấy hôm nay mưa gió làm luống rau muống bị ngập, lụi hết đi. Bà phải cất các loại củ, quả bán giữ khách. Bà Hảo cho rằng kể cả khi hết đợt mưa, giá rau vẫn chưa thể giảm ngay vì cần 1-2 tuần để giâm lại vườn rau, chờ rau lớn.
Trái ngược với giá rau, giá thịt heo lại có dấu hiệu hạ nhiệt. Thịt heo chỉ dao động 70.000 - 110.000 đồng/kg tùy loại, trong đó thịt ba chỉ, sườn non vẫn đắt nhất. Nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ chưa tăng bật, tiểu thương ngao ngán chờ khách.
Tương tự, giá trứng cũng ổn định trở lại sau Hà Nội hết giãn cách xã hội. Cụ thể, giá trứng gà đỏ 2.000 đồng/quả, giá trứng gà ta 2.300 – 2.500 đồng/quả, giá trứng vịt 3.000 /quả, trứng cút 500 đồng/quả.
Phạm Mơ
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Link bài gốc
https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/di-cho-mua-mua-ba-noi-tro-xot-tien-vi-gia-rau-dat-hon-thit-4220211030112909856.htm