Nhu cầu mì ăn liền tăng vọt khi người mua muốn thắt chặt hầu bao
Theo The Guardian, Nissin Foods - công ty sản xuất mì ăn liền của Nhật Bản đang thể hiện sức "bành trướng" mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu với đủ các loại hương vị cũng như các phiên bản dành cho từng thị trường cụ thể, mang tính địa phương nhiều hơn.
Không chỉ xuất hiện ở các thị trường châu Á, mì ăn liền đang trở thành một món ăn được ưa chuộng trên thế giới, xuất hiện ở nhiều quốc gia thuộc châu Mỹ và châu Âu.
Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, vào năm 2022, người tiêu dùng ở hơn 50 quốc gia đã tiêu thụ kỷ lục 121,2 tỷ khẩu phần mì ăn liền.
Ngoài các quốc gia có lịch sử ăn mì lâu đời ở châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam... Bắc Mỹ với thị trường Mexico đang chứng kiến nhu cầu tăng vọt ở mức 17,2% vào năm 2021 – thời điểm nhiều người chuyển sang dùng mì ăn liền trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, mức tăng trưởng đó không sụt giảm và vẫn duy trì mức tăng 11% vào năm ngoái.
Thị trường Mỹ cũng là một cái tên đáng chú ý khi đón nhận mì ăn liền, một phần để giảm bớt áp lực lên tài chính hộ gia đình do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Theo Nikkei Asia, người tiêu dùng trung lưu đang có xu hướng ăn mì gói nhiều hơn trong các bữa ăn hàng ngày, điều mà họ hiếm khi làm trước đây.
Nhờ nhu cầu tăng, hai thương hiệu mì ăn liền của Nhật Bản là Nissin và Toyo Suisan đã công bố kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất tại Mỹ và Mexico vào năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nói với tờ Nikkei Asia, đại diện Toyo Suisan cho biết: “Số lượng người tiêu dùng thường xuyên ăn mì ăn liền đang tăng lên và chúng tôi sẽ tăng thêm sự đa dạng về hương vị”.
Trong khi đó, Nissin Foods cho biết họ sẽ chi 228 triệu USD để mở rộng sự hiện diện tại Mỹ. Nhà máy mới ở Nam Carolina sẽ hỗ trợ sản xuất ngoài các nhà máy hiện có ở California và Pennsylvania.
Michael Price, Giám đốc Nissin Foods tại Mỹ cho biết: “Nissin Foods đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng trưởng bền vững qua từng năm, đặc biệt là trong 5 năm qua, nhờ nhu cầu chưa từng có đối với các sản phẩm của chúng tôi”.
Kể cả khi giá mì ăn liền đã tăng 20% trong vòng hai năm qua ở Nhật Bản thì đây vẫn là một thực phẩm được xếp vào hàng bình dân. Theo Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Ăn liền Nhật Bản, người Nhật ăn dưới 6 tỷ khẩu phần mì ăn liền vào năm 2022.
Ông Ichiro Yamato, một chuyên gia về mì ăn liền tại Nhật Bản cho biết: "Ở thị trường thế giới, mì ăn liền có thể phát triển mạnh hơn, dẫn đầu là Ấn Độ và các nước ở châu Phi, châu Á với dân số trẻ, ngày càng tăng".
Theo tờ Korea Economic Daily, Hàn Quốc - nước láng giềng Nhật Bản đã có lần đầu tiên xuất khẩu mì ăn liền vượt qua mốc 1 tỷ won (780 triệu USD). Số liệu thống kê thương mại từ Cục Hải quan Hàn Quốc công bố 20/11 cho thấy xuất khẩu mì ăn liền trong 10 tháng đầu năm đạt 785,25 triệu USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm.
Khối lượng xuất khẩu mì ăn liền từ tháng 1 đến tháng 10 đạt 201,363 tấn, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xếp hạng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc đứng đầu danh sách với 174,45 triệu USD, tiếp theo là Mỹ với 170 triệu USD, Nhật Bản với 48,66 triệu USD , Hà Lan với 48,64 triệu USD, Malaysia với 39,67 triệu USD và Philippines với 30,9 triệu USD.
Australia (30,16 triệu USD), Thái Lan (30,07 triệu USD), Anh (29,8 triệu USD) và Đài Loan (28,13 triệu USD) cũng được xếp hạng trong số 10 nước nhập khẩu mì ăn liền.
Sự phổ biến của mì ăn liền ở các nước ngoài châu Á có thể được xem là sự công nhận đối với loại thực phẩm sở hữu tính tiện ích và giá cả phải chăng cho người tiêu dùng trong suốt đại dịch COVID-19.