|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mì Gấu Đỏ xuất sang Đài Loan bị cảnh báo hàm lượng Ethylene Oxide

21:24 | 17/11/2022
Chia sẻ
Để giữ uy tín của sản phẩm thực phẩm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị CTCP Thực phẩm Á Châu báo cáo các thông tin liên quan đến lô mì ăn liền thương hiệu Gấu Đỏ xuất khẩu sang Đài Loan.

Trong văn bản gửi CTCP Thực phẩm Á Châu, Bộ Công Thương cho biết ngày 15/11, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) cảnh báo về sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam có hàm lượng Ethylene Oxide không phù hợp.

Cụ thể đó là lô hàng 500 CTN (945 kg) mì ăn liền thương hiệu Gấu Đỏ (SOUR-HOT SHRIMP FLAVOR INSTANT NOODLES) của nhà sản xuất/xuất khẩu ASIA FOODS CORPORATION, do Doanh nghiệp QIAN YU FOOD ENTERPRISE CO., LTD (Địa chỉ: 1 F., No. 44, Ln. 1, Xing’an Rd., 17th Neighborhood, Xinyuan Township, Pingtung County 93243, Taiwan) nhập khẩu. 

Qua kiểm tra tại cửa khẩu, TFDA phát hiện hàm lượng Ethylene Oxide (EO) không phù hợp tiêu chuẩn. Trong đó, hàm lượng EO được phát hiện ở cả gói gia vị (3,438 mg/kg) và vắt mì (0,107 mg/kg).

Để giữ uy tín của sản phẩm thực phẩm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị CTCP Thực phẩm Á Châu báo cáo về các loại sản phẩm thực phẩm (tên sản phẩm, số lượng, lô sản xuất, hạn sử dụng, thị trường xuất khẩu, bản sao hồ sơ tự công bố thực phẩm kèm theo kết quả kiểm nghiệm) do công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan trong năm 2022 và quy trình công nghệ sản xuất mì ăn liền của công ty.

Đồng thời đánh giá nguy cơ về khả năng xuất hiện Ethylene Oxide trong các sản phẩm mì ăn liền do công ty sản xuất, kinh doanh kèm theo biện pháp kiểm soát tương ứng.

Bộ Công Thương yêu cầu CTCP Thực phẩm Á Châu gửi báo cáo về Vụ Khoa học và Công nghệ trước ngày 25/11/2022.

Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng, tìm hiểu kỹ các quy định,  “hàng rào kỹ thuật về TBT” (“biện pháp TBT”) và “các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật” (“biện pháp SPS”) liên quan sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.

Điều đó sẽ giảm thiểu cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt…

Những sản phẩm này có thể có chuỗi cung ứng gồm nhiều nhánh nhỏ dành riêng cho các cấu phần khác nhau trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng. Việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Hiện, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

Vì vậy trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu. 

Hoàng Anh