Lạm phát giá mì ăn liền tại Hàn Quốc
Cuộc tranh luận giữa các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu Hàn Quốc về giá mì ăn liền đã thu hút sự chú ý trong bối cảnh chi phí chi cho các sản phẩm thiết yếu ngày một tăng và kế hoạch của chính phủ nhằm giảm bớt áp lực lên nền kinh tế, theo Nikkei.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ Kinh tế và Tài chính Choo Kyung-ho đã chỉ trích một cách tế nhị các nhà sản xuất mì ăn liền (ramyun) ở Hàn Quốc, vì đã không hạ giá thành phù hợp với sự sụt giảm giá lúa mì toàn cầu.
Mì ăn liền là một mặt hàng rẻ tiền và phổ biến ở Hàn Quốc, thường được bán lẻ với giá dưới 2 USD một phần và trở thành lựa chọn của những người có thu nhập thấp. Trong bộ phim “Ký sinh trùng” gây sốt năm 2019, ramyun được miêu tả như một lựa chọn bữa ăn cho những gia đình nghèo khó.
Giá mì ăn liền tăng vọt vào năm ngoái khi xuất khẩu từ Ukraine, một nhà sản xuất ngũ cốc lớn, bị ngưng trệ do xung đột với Nga. Ông Choo giải thích rằng trong năm qua, giá lúa mì toàn cầu đã giảm một nửa, nhưng giá mì ăn liền tại cửa hàng vẫn giữ nguyên.
Phó Thủ tướng Choo không trực tiếp kêu gọi các nhà sản xuất giảm giá bán lẻ. Bởi ông cho rằng “Chính phủ không nên can thiệp và kiểm soát giá cả, nhưng sẽ tốt hơn nếu các hiệp hội người tiêu dùng đóng vai trò kiểm tra và gây áp lực”.
Bình luận của ông nhấn mạnh sự căng thẳng mà chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol phải đối mặt, người đã cam kết cho phép các lực lượng thị trường nắm giữ nền kinh tế.
Ông Yoon đã vận động tranh cử với những lời hứa sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng cách nới lỏng các quy định và sự can thiệp của nhà nước vào khu vực tư nhân. Tuy nhiên, ông hiện đang chịu áp lực phải thúc đẩy nền kinh tế trì trệ.
Hàn Quốc đã tránh được suy thoái trong gang tấc khi công bố mức tăng trưởng 0,3% trong quý quý I/2023 khi xuất khẩu, động lực chính của tăng trưởng, đã giảm tháng thứ 8 liên tiếp khi kết thúc tháng 5.
Shin Se-don, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Sookmyung ở Seoul, nói với Nikkei Asia: "Điều này không chỉ giới hạn ở giá ramyun. Chính phủ đã nhấn mạnh việc giao quyền quyết định cho thị trường nhưng hành động của họ hoàn toàn khác”. Shin chỉ ra rằng dù không kiểm soát giá mì ăn liền song Chính phủ Tổng thống Yoon đã thực hiện các biện pháp kiểm soát giá của các mặt hàng chính như xăng và điện.
Theo dữ liệu của Chính phủ, trong tháng 5, giá mì ăn liền cao hơn 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2009. Chỉ số giá tiêu dùng chung trong tháng 5 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường mì ăn liền của Hàn Quốc bị chi phối bởi ba công ty lớn: Ottogi, Nongshim và Samyang Foods. Trong những năm gần đây, các công ty này đã tìm cách bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại trong nước bằng cách tăng xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu mua đồ ăn Hàn Quốc ngày càng tăng ở thị trường nước ngoài.
- TIN LIÊN QUAN
-
Xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục 01/04/2023 - 14:19
Truyền thông địa phương dẫn lời một quan chức trong ngành nói rằng thông thường phải mất vài tháng để những thay đổi về giá lúa mì toàn cầu được áp dụng trong giá mà các công ty phải trả để nhập khẩu lúa mì.
Giáo sư Shin cho biết, với hầu hết các dự báo cho thấy tình hình kinh tế ảm đạm trong trung hạn, chính quyền Tổng thống Yoon có thể sẽ giảm bớt những quan điểm ủng hộ thị trường tự do và sẽ đối mặt với áp lực ban hành các biện pháp giúp đỡ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn.
“Mọi người ở Hàn Quốc đều tin rằng chính phủ phải làm gì đó để can thiệp vào các thị trường trọng điểm và các yếu tố chính của xã hội, nhưng điều quan trọng là mức độ, nghĩa là can thiệp sâu đến mức nào và thường xuyên như thế nào”, Giáo sư Shin nói.