|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu điện toàn cầu sẽ giảm 6% vào năm 2030 do suy giảm tăng trưởng kinh tế kéo dài

12:43 | 23/10/2021
Chia sẻ
Theo các chuyên gia cơ cấu năng lượng trong 10 năm tới sẽ thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như điều chỉnh các chính sách và sự bền vững khi hồi phục.

Dựa trên kịch bản phục hồi chậm (DRS) của ngành năng lượng mà Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) công bố gần đây, nhu cầu điện toàn cầu sẽ giảm 6% vào năm 2030 chủ yếu do suy giảm tăng trưởng kinh tế kéo dài và khi đó điện gió, điện mặt trời sẽ bổ trợ để giảm sự biến động trong sản xuất điện.

Đây là chia sẻ của PGS Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore tại Diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam - Singapore với chủ đề "Nâng cao khả năng chống chịu, hoạch định và thực thi chiến lược trong trạng thái bình thường mới - Kinh nghiệm từ Singapore cho ngành năng lượng" vừa diễn ra.

Diễn đàn do Công ty CP tư vấn và đào tạo Vietstar phối hợp cùng Đại học Quản trị Paris (PGSM) tổ chức, sẽ được duy trì thành hoạt động thường niên để doanh nghiệp hai nước chia sẻ kinh nghiệm quản trị và các giải pháp duy trì tăng trưởng.

Theo ông Khương, xu thế năng lượng thế giới trong tương lai sẽ tập trung vào năng lượng bền vững và tái tạo, áp dụng các công nghệ mới như quang điện mặt trời, chuyển đổi số, kết hợp giữa năng lượng mặt trời nổi và thủy điện…

Cơ cấu năng lượng trong 10 năm tới sẽ thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như điều chỉnh các chính sách và sự bền vững khi hồi phục.

Ông Wong Kim Yin, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Sembcorp cho biết có ba xu hướng chắc chắn xảy ra trong tương lai với ngành năng lượng gồm năng lượng tái tạo chiếm ưu thế trong ngành điện khử cacbon, nhu cầu điện ngày càng tăng do vận tải đường bộ khử cacbon và trung tâm kinh tế chuyển dịch sang Châu Á.

Theo đánh giá của cá chuyên gia, trong thời gian qua Việt Nam đang phải chống chọi với làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát mạnh trên quy mô rộng, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất- kinh doanh của các ngành nói chung và năng lượng nói riêng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng có giải pháp thích ứng.

Do đó, PGS Vũ Minh Khương cho rằng trong giai đoạn tới ngành năng lượng Việt Nam phải có lựa chọn chiến lược phù hợp theo hướng bền vững và chuyển đổi xanh để hội nhập toàn cầu. Đặc biệt phải chú trọng chuyển đổi số và có cơ chế khuyến khích sự tham gia của tư nhân. 

Các doanh nghiệp Việt có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển năng lượng từ Singapore và cách mà doanh nghiệp nước này vượt qua khủng hoảng, thách thức từ đại dịch COVID-19.

Thực tế đã cho thấy, trong thời gian dài của đại dịch, Singapore đã được xếp hạng đầu tiên trong bảng xếp hạng khả năng phục hồi hậu COVID-19. 

Để làm được như vậy, ông Douglas Foo, Chủ tịch Liên đoàn Sản xuất Singapore, cho biết doanh nghiệp Singapore đã liên tục điều chỉnh để thích nghi với thực tế mới; liên tục đánh giá và sửa đổi các kế hoạch quản lý khủng hoảng để chuẩn bị cho các tình huống rủi ro khác nhau; xem xét phương thức giảm thiểu tác động tiềm ẩn của việc giảm doanh số, dự báo kém và giảm doanh thu trong trạng thái bình thường mới… 

“Chúng tôi đã lấy chiến lược "Chuyển đổi số" làm xương sống để bứt phá, đồng thời đa dạng chuỗi cung ứng thông qua tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…”, ông Douglas Foo nhấn mạnh.

Còn theo ông Wong Kim Yin, thời gian qua Sembcorp đã chuyển đổi sang danh mục đầu tư từ “Nâu sang xanh” và chuyển đổi nhiều mặt như quản trị, nguồn vốn, nhân lực, đối tác, các bên hữu quan… 

Ông hy vọng những kinh nghiệm của Sembcorp sẽ giúp ích cho ngành năng lượng Việt Nam trong tương lai. “Chúng tôi hy vọng có thể chung tay với Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng thông qua việc nâng cao hiệu quả của hệ thống điện, hợp tác năng lượng tái tạo, chuyển giao công nghệ và năng lực”, ông Wong Kim Yin nói.

Như Huỳnh