|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhóm nghiên cứu UEB: Giữa đại dịch COVID-19, nhóm học vấn cao giảm đầu tư và tăng tiết kiệm, tâm lí NĐT chứng khoán lạc quan hơn

17:42 | 05/08/2020
Chia sẻ
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu UEB, những người có học vấn cao (sau đại học) có xu hướng giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm và giảm đầu tư so với nhóm có trình độ học vấn thấp hơn. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng cho biết tâm lí nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thời điểm cuối quí II đã lạc quan hơn so với thời điểm dịch bắt đầu bùng phát.
Nhóm nghiên cứu UEB: Giữa đại dịch COVID-19, nhóm học vấn cao giảm đầu tư và tăng tiết kiệm, tâm lí NĐT chứng khoán lạc quan hơn - Ảnh 1.

Nhóm nghiên cứu Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB). Ảnh: HL

Nhóm học vấn cao giảm đầu tư, tăng tiết kiệm

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tác động mạnh và ảnh hưởng rõ nét lên tình hình kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB) thực hiện nghiên cứu "Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến hành vi chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư ở Việt Nam".

Đây được xem như báo cáo đầu tiên ở Việt Nam xem xét sự ảnh hưởng đến khía cạnh tài chính cá nhân. Cụ thể, báo cáo cung cấp thông tin liên quan tới sự thay đổi về hành vi của người dân trước và sau khi xảy ra COVID-19 trên ba phương diện chính: Chi tiêu, Tiết kiệm và Đầu tư.

Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 550 người trong trong tháng 5 theo hình thức gửi bảng hỏi trực tuyến tới rộng rãi các đối tượng khác nhau trong xã hội có thể tiếp cận Internet.

Kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu UEB đã chỉ ra một số điểm chính.

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng tới tất cả các hành vi chi tiêu. tiết kiệm và đầu tư thuộc tất cả các nhóm lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính.

Nhóm nghiên cứu UEB: Giữa đại dịch COVID-19, nhóm học vấn cao giảm đầu tư và tăng kiết kiệm, tâm lí NĐT chứng khoán lạc quan hơn - Ảnh 1.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu. Nguồn: UEB

Thứ hai, những người có học vấn cao (sau đại học) có xu hướng giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm và giảm đầu tư so với nhóm có trình độ học vấn thấp hơn.

"Về hoạt động tiết kiệm, nhóm sau đại học có mức giảm ít hơn so với các nhóm còn lại. Hành vi tiết kiệm và nền tảng giáo dục có mối quan hệ với nhau, cụ thể là những người có trình độ học vấn cao hơn có xu hướng tiết kiệm nhiều và hiệu quả hơn so với những người có học vấn thấp hơn", nhóm nghiên cứu (UEB) cho biết.

Thứ ba, dưới tác động của COVID-19 nhóm giới tính nữ có tỉ lệ chi tiêu tăng lên nhiều hơn. Đối với hầu hết các nhóm hộ gia đình, mức độ chi tiêu sau COVID-19 giảm nhẹ so với giai đoạn trước đó.

Thứ tư, 39,8% số người được khảo sát có số tiền tiết kiệm không đổi sau COVID-19, tuy nhiên, 51,57% người bị giảm tiền tiết kiệm từ dưới 10% đến giảm trên 20%. Người dân cũng có xu hướng giữ tiền mặt nhiều hơn. Mặc dù vậy, COVID-19 đã có tác động tích cực tới nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiết kiệm khi có thêm 13% số người được khảo sát tăng mức độ đánh giá về tiết kiệm.

Thứ năm, COVID-19 có tác động mạnh tới mức tiền đầu tư thường xuyên của cá nhân và các nhà đầu tư cũng có xu hướng tiêu cực, với 63,4% người tham gia khảo sát tin rằng lợi nhuận đầu tư sẽ sụt giảm. Bên cạnh đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân dưới 35 tuổi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 cao hơn các nhóm tuổi khác.

"Về hoạt động đầu tư, nhóm người trên 35 tuổi với tiềm lực kinh tế tốt hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn với đại dịch COVID-19. Về hoạt động tiết kiệm, nhóm tuổi 36-60 có mức độ sẵn sàng đối diện với các tình huống khẩn cấp cao nhất và hầu như không đổi trước và sau Covid-19", đại diện nhóm nghiên cứu cứu giải thích.

Tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán trong quí II tích cực hơn

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra khảo sát về diễn biến tâm lí của nhà đầu tư.

Nhóm nghiên cứu UEB: Giữa đại dịch COVID-19, nhóm học vấn cao giảm đầu tư và tăng kiết kiệm, tâm lí NĐT chứng khoán lạc quan hơn - Ảnh 2.

Nguồn: Nhóm nghiên cứu UEB

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong tháng 1/2020, nhận định về sư tăng giá của chỉ số HNX là 45%, và đối với VN-Index là 33%, phần nào cho thấy sự khác biệt trong tâm lí đầu tư giữa tại hai Sở Giao dịch Chứng khoán ở thời điểm thế giới và Việt Nam bắt đầu nhận thức về dịch bệnh.

Nhìn chung trong quí I, nhận thức của thị trường về dịch bệnh COVID-119 cùng với sự lo âu về thời gian hoành hành của dịch bệnh được thể hiện rõ hơn khi số lượt dự đoán VN-Index giảm tăng mạnh hơn so với dự đoán tăng.

Trái lại, niềm tin của nhà đầu tư đã tăng dần cùng với việc kiểm soát dịch bệnh thành công, phản ánh qua số lượt dự đoán giá tăng trong quí II vượt trội hơn so với dự đoán giảm. Điều đó cũng cho thấy sự lạc quan chiếm số đông trong những người tham gia khảo sát tâm lí thị trường, đại diện nhóm nghiên cứu cho hay.

Lợi Hoàng