|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam đang có nhiều yếu tố để bước vào sóng tăng mới

11:44 | 05/08/2020
Chia sẻ
Trong những tháng cuối tháng cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có một số yếu tố thuận lợi cho nhịp tăng mới như mức định giá hấp dẫn, triển vọng thu hút dòng vốn ngoại, câu chuyện về đầu tư công, thoái vốn. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư cá nhân đã giảm qui mô danh mục trong đợt bán tháo.

Nhà đầu tư cá nhân "mất hàng" trong đợt bán báo gần đây

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục điều chỉnh trong tháng 7, ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp. Đà giảm thị trường diễn ra chủ yếu trong tuần cuối của tháng 7 do tâm lí lo ngại khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam. Điều này đã dẫn đến phản ứng thái quá của giới đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Nói về động thái giao dịch vừa qua của thị trường, các chuyên gia của Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng diễn biến xấu của VN-Index đến từ phản ứng thái quá của nhà đầu tư nhỏ lẻ hơn là các yếu tố cơ bản của nền kinh tế.

Chứng khoán Việt Nam đang có nhiều yếu tố để bước vào sóng tăng mới - Ảnh 1.

Giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong tuần dịch bùng phát. Nguồn: BSC

Dẫn chứng bằng việc nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng khoảng 1.841 tỉ đồng trong tuần 27 - 31/7. Trong khi đó, tổ chức trong nước và nước ngoài có hành động đối lập khi mua ròng lần lượt 455 tỉ đồng và 666 tỉ đồng.

Đà Nẵng là trung tâm bùng dịch chỉ đóng góp 1,44% vào GDP Việt Nam năm 2019.  Trên sàn HOSE đang có 8 công ty niêm yết đặt trụ sở tại Đà Nẵng, chiếm 0,2% tổng vốn hóa thị trường. Vì vậy, việc VN-Index giảm là không công bằng, Chứng khoán KIS Việt Nam nêu.

Tuy vậy, có thể thấy rằng nhà đầu tư phản ứng bình tĩnh hơn so với đợt Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh trở lại vào đầu tháng 3. Thị trường giảm sâu trong các phiên 24/7, 27/7, 29/7, nhưng phục hồi nhanh chóng sau đó.

Theo người viết, việc nhà đầu tư xử lí bình tĩnh hơn trong giai đoạn vừa qua được quyết định bởi hai yếu tố. Thứ nhất là với những gì đã diễn ra trong đợt giảm tháng 3 khiến giới đầu tư kì vọng việc thị trường hồi phục ngay sau đó. Điều này giảm áp lực bán tháo. 

Thứ hai là thị trường vừa trải qua giai đoạn điều chỉnh sau khi VN-Index đạt đỉnh tại mốc 900 điểm, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã có hai tuần bán ròng đầu tháng 7. Tổng hòa hai yếu tố trên lí giải vì sao thị trường không bán tháo trên diện rộng và liên tiếp trong nhiều phiên như những gì diễn ra trong tháng 3.

Trong ngắn hạn, việc nhà đầu tư cá nhân giảm qui mô danh mục góp phần giảm áp lực margin cho thị trường. Người viết cho rằng đây cũng là yếu tố tránh việc gây nhiễu do hoạt động giao dịch diễn ra liên tục.

VN-Index đang ở vùng định giá hấp dẫn

Trở lại diễn biến chung, sau đợt điều chỉnh vừa qua, thị trường hồi phục nhanh chóng sau đó. Điều này khiến nhà đầu tư ngờ vực giữa nhịp sóng hồi hay thị trường có thể bước vào nhịp tăng mới như những gì đã diễn ra cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Đây dường như là một câu trả lời khó.

Nhưng hiện tại, đa phần giới phân tích đánh giá cao về mức định giá hiện nay của thị trường. Cụ thể, Chứng khoán BSC cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức tương đối hấp dẫn trong điều kiện dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt đến cuối năm 2020.

Hiện P/E của VN-Index khoảng 13,1 lần, thấp hơn 14,3% so với mức bình quân 5 năm. So với các thị trường khác trong khu vực,  P/E của chứng khoán Việt Nam cũng đang ở mức định giá thấp hơn.

Chứng khoán Việt Nam đang có nhiều yếu tố để bước vào sóng tăng mới - Ảnh 2.

Định giá P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn: BSC

Với góc nhìn dài hạn, Chứng khoán BSC nhận định việc cải thiện EPS nhờ kết quả kinh doanh hồi phục trong năm 2021. Sự kiện “thiên nga đen” COVID-19 tác động tiêu cực lên KQKD của các doanh nghiệp chỉ mang tính chất ngắn hạn trong năm 2020. Kì vọng Vaccine sẽ được sản xuất thành công trong năm 2021 và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ phục hồi.

Nhìn về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nửa đầu nay, bức tranh lợi nhuận cũng không quá ảm đạm. Tổng lợi nhuận các công ty niêm yết trong 6 tháng đầu năm nay chỉ giảm 7%, thấp hơn mức giảm 24% trong quí I. Nhóm Tài chính Ngân hàng báo cáo kết quả kinh doanh khởi sắc.

Với kết quả kinh doanh đã công bố và tiềm năng cho đợt hồi phục, mức định giá hấp dẫn của thị trường hiện tại sẽ là một yếu tố tích cực cho nhịp tăng của thị trường.

Kì vọng dòng tiền ngoại

Nếu như đợt hồi phục trong tháng 4 và tháng 5 đến nhờ một phần lớn từ lực cầu của khối nội, thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại có cơ sở để kì vọng sự tích cực của dòng tiền tiền nước ngoài trong những tháng cuối năm.

Chứng khoán Việt Nam đang có nhiều yếu tố để bước vào sóng tăng mới - Ảnh 3.

Nguồn: BSC

Cụ thể, sự tích cực đến từ việc các quĩ đầu tư đặc biệt là ETF sẽ phân bổ danh mục vào thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi MSCI nâng hạn thị trường Kuwait lên thị trường mới nổi vào tháng 11/2020.

Theo các chuyên gia Chứng khoán BSC, Việt Nam với khả năng kiểm soát dịch tương đối tốt, môi trường đầu tư và định giá thị trường hấp dẫn cũng là một trong những yếu tố tiên quyết có thể giúp thu hút dòng tiền khối ngoại trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021.

Từ góc độ là quĩ ngoại lớn thứ hai trên thị trường, VinaCapital gửi đi thông điệp đã cho một số cổ phiếu tốt vào tầm ngắm khi thị trường biến động mạnh vào cuối tháng 7.

"Chúng tôi cho rằng thị trường biến động động ngắn hạn và sẽ tìm thấy các cơ hội đầu tư vào các công ty đang có định giá hấp dẫn. Kết quả kinh doanh được công bố có phần bất ngờ trong hai quí đầu năm, chúng tôi kì vọng vòa việc hồi phục trong nửa cuối năm và năm 2021. Các ngành như vật liệu xây dựng, tài chính, xây dựng và công nghệ thông tin sẽ dẫn đầu trong nhịp hồi phục", chuyên gia từ VinaCapital cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm nay, TTCK Việt Nam ghi nhận giá trị bán ròng 102 triệu USD từ khối ngoại. Nhưng nếu loại trừ thương vụ thỏa thuận VHM từ quĩ KKR, thì khối ngoại bán ròng khoảng 680 triệu USD. Giá trị bán ròng này vẫn thấp hơn một số thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, nhưng cao hơn Indonesia.

Câu chuyện đầu tư công và thoái vốn

Ngoài những yếu tố nêu trên, những câu chuyện đầu tư dường như đang thu hút giới đầu tư như tăng cường đầu tư công, thu hút vốn FDI và thoái vốn tại một số thương vụ.

Về hoạt động đầu tư công, những hoạt động đẩy mạnh đầu tư công được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Quốc hội đã có quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công của 3 dự án thành phần (Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây). Cùng với đó là việc bổ sung vốn đầu tư không quá 23.461 tỉ đồng, trong khi đó các dự án còn lại sẽ tiếp tục thực hiện theo phương án cũ.

Về hoạt động thoái vốn, Thủ tướng đã phê duyệt danh mục các doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Mới đây nhất, SCIC công bố bán đấu giá 46 triệu cổ phiếu FPT với tổng giá trị thu về dự kiến trên 2.200 tỉ đồng. Trong năm nay, một số thương vụ thoái vốn khác cũng được kì vọng như Sabeco, Viglacera, Petrolimex...

Lợi Hoàng