|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

BSC: Thị trường sẽ sớm ổn định với mặt bằng giá cao hơn đợt giảm sâu do ảnh hưởng từ COVID-19 trong quí I

15:11 | 04/08/2020
Chia sẻ
Chứng khoán BSC cho rằng KQKD quí II của các công ty niêm yết không tiêu cực giúp cho cho P/E của VN-Index và nhiều cổ phiếu ở mức hợp lí sau đợt sụt giảm cuối tháng 7. Điều này sẽ là lực đỡ của thị trường trong 6 tháng cuối năm.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC, Mã: BSI) vừa công bố báo cáo nhận định thị trường tháng 8. Đánh giá thị trường hiện tại, Chứng khoán BSC cho rằng với mức giảm giá của thị trường trong ngắn hạn, P/E và P/B của VN-Index đang ở mức lần lượt 13,1 lần và 1,8 lần, thấp hơn lần lượt 13% và 21% so với đầu năm. 

Chỉ số P/E cỉa VN-Index cũng thấp hơn 9% so với mức bình quân 14,5 lần trong 5 năm gần nhất. Xét tương quan với P/E các thị trường theo chỉ số MSCI, P/E của VN-Index cao hơn 7% so thị trường khu vực cận biên, và thấp hơn 28% và 49% so với thị trường mới nổi và thị trường phát triển.

Với mức P/E hiện tại, cũng như KQKD quí II của các doanh nghiệp mới cập nhật, thị trường do vậy có cơ sở hình thành mặt bằng giá cao hơn so với đợt sụt giảm trong quý I.

KQKD quí II của các công ty niêm yết không tiêu cực giúp cho cho P/E của VN-Index và nhiều cổ phiếu ở mức hợp lí sau đợt sụt giảm cuối tháng 7. Điều này sẽ là lực đỡ của thị trường trong 6 tháng cuối năm. 

Tuy nhiên dịch bệnh quay trở lại trong cộng đồng và chưa thể kiểm soát là thông tin tiêu cực kinh tế vĩ mô nói chung và TTCK nói riêng. Vận động của thị trường chứng khoán sẽ biến động khó lường, phức tạp và phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm dịch bệnh của Việt Nam. 

Dù vậy, Chứng khoán BSC cho rằng với yếu tố cơ bản hiện tại, thị trường sẽ sớm ổn định với mặt bằng giá cao hơn so với đợt giảm sâu do ảnh hưởng từ COVID-19 trong quí I. VN-Index dự báo sẽ vận động với vùng giá trọng tâm từ 750 – 825 điểm trong tháng 8.

Hai kịch bản được Chứng khoán BSC đưa ra:

Trường hợp tích cực, VN-Index đóng cửa trên 800 điểm, thanh khoản và xu hướng hồi phục dần. Vận động thị trường cùng những chủ đề lớn liên quan đến đầu tư công và các hoạt động không bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. 

Trường hợp tiêu cực, VN-Index giảm dưới 750 điểm khi diễn biến thị trường thế giới tiêu cực, diễn biến dịch bệnh trong nước nghiêm trọng và khối ngoại rút vốn.

Trở lại diễn biến của thị trường, TTCK Việt Nam giảm điểm trong tháng 7, duy trì đà giảm 2 tháng liên tiếp. Sau chu kì tăng điểm có yếu tố kỳ vọng và dòng tiền, thị trường bước vào vùng kiểm định và phân hóa cùng với mùa công bố KQKD quý II trong nửa đầu tháng 7 với thanh khoản giảm dần. 

Áp lực bán tăng mạnh trong 2 tuần cuối tháng khi Việt Nam xác nhận có ca nhiễm cộng đồng sau hơn 3 tháng. Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng và tâm lí không quá tiêu cực như lần đầu giúp cho VN-Index sớm cân bằng và đang giao động quanh 800 điểm vào cuối tháng 7.


Hoàng Linh