Thời COVID-19: Doanh nghiệp buôn cá, bán sách trở thành nhà đầu tư chứng khoán
Buôn cá, bán sách thêm nghề đầu tư chứng khoán
Nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận số lượng tài khoản mở mới kỉ lục. Dường như đợt giảm điểm vì COVID-19 đã thu hút không nhỏ nhà đầu tư "F0" tham gia thị trường chừng khoán.
Cùng với những nhà đầu tư cá nhân, không ít doanh nghiệp sử dụng tiền nhà rỗi để đầu tư chứng khoán. Đáng chú ý hơn là việc các doanh nghiệp này chưa từng tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán.
Gần đây, câu chuyện Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) dùng gần 200 tỉ đồng nhàn dỗi đầu tư chứng khoán được giới đầu tư chú ý. Theo đó, doanh nghiệp này đã đầu tư vào một số bluechips trên sàn như MWG (87,3 tỉ đồng), FPT (29 tỉ đồng) và HPG (23,6 tỉ đồng). Tính đến ngày 30/6, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh của Vĩnh Hoàn là hơn 6,3 tỉ đồng.
Cũng trong nửa đầu năm, Công ty Cổ phần Sách giáo dục Tại TP Hà Nội (Mã: EBS) cũng giải ngân gần 18 tỉ đồng để đầu tư chứng khoán. Danh mục đầu tư của công ty đang lỗ hơn 300 triệu đồng.
Danh mục đầu tư chứng khoán của Sách giáo dục Tại TP Hà Nội. Nguồn: BCTC
Khác với Vĩnh Hoàn, Sách giáo dục Tại TP Hà Nội chủ yếu mua vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhóm ngân hàng, Cụ thể, công ty đã mua vào 1 triệu cổ phiếu LCG của Licogi 16, 366.613 cổ phiếu HDG của Hà Đô. Hai cổ phiếu ngân hàng nằm trong danh mục là LPB của Ngân hàng Liên Việt và STB của Sacombank.
Ngoài ra, danh mục đầu tư của Sách giáo dục Tại TP Hà Nội còn có các cổ phiếu khác như DGC, TCS, LAS, DBC.
Không giống như Vĩnh Hoàn và Sách giáo dục, CTCP Công viên nước Đầm Sen (Mã: DSN) giải ngân hơn 7 tỉ đồng mua cổ phiếu trên thị trường OTC. Theo đó, công ty đã mua vào hơn 2,12 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Á với giá 3.340 đồng/cp.
Ghi nhận của người viết trong những ngày đầu tháng 8, cổ phiếu của Ngân hàng Việt Á đang giao dịch trên thị trường OTC với mức giá quanh 4.000 đồng/cp.
Nhiều doanh nghiệp gia tăng sở hữu cổ phiếu cùng ngành
Cùng với việc nhiều công ty niêm yết tham gia vào hoạt động đầu tư chứng khoán, một số công ty gia tăng qui mô danh mục bằng việc mua thêm cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm.
Transimex tăng giá trị đầu tư chứng khoán. Nguồn: BCTC
Theo đó, Công ty Cổ phần Transimex (Mã: TMS) tăng qui mô đầu tư chứng khoán từ 35,2 tỉ đồng lên 51,6 tỉ đồng. Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh tại ngày 30/6 của Transimex là hơn 1 tỉ đồng. Danh mục chứng khoán cụ thể tại thời điểm hiện tại chưa được công ty này công bố.
Cuối năm 2019, danh mục đầu tư chứng khoán của Trasimex gồm các cổ phiếu trong lĩnh vực logistic như CLL của Cảng Cát Lái, PDN của Cảng Đồng Nai.
Theo ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp dệt may là CTCP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã: GIL) gia tăng qui mô danh mục đầu tư chứng khoán gấp 5 lần từ 2,8 tỉ đồng lên 14,5 tỉ đồng.
Cụ thể, công ty đã mua mới cổ phần của một doanh nghiệp cùng ngành là Garmex Sài Gòn (Mã: GMC) với giá trị gần 11,7 tỉ đồng. Trong danh mục đầu tư của công ty còn có cổ phần của Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An và Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế.
Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) tăng qui mô đầu tư chứng khoán. Nguồn: BCTC
Tương tự, Tập đoàn ASG tăng gia khoản đầu tư vào cổ phiếu NCT của Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài gấp 3 lần từ 11,4 tỉ đồng lên 34,5 tỉ đồng. Hiện danh mục đầu tư chứng khoán của ASG đang lỗ khoảng 861 triệu đồng.
Tập đoàn ASG gia tăng quy mô đầu tư vào Dịch vụ hàng hóa Nội bài. Nguồn: BCTC
Hoạt động đầu tư từ một số doanh nghiệp trên cho thấy xu hướng gia tăng sở hữu cổ phiếu tại các doanh nghiệp cùng ngành của một số công ty chứng khoán. Phương pháp đầu tư này giúp các doanh nghiệp am hiểu hơn về cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình.