4 đặc điểm của những cổ phiếu tăng mạnh nhất Việt Nam
Có một cách có thể phần nào lựa chọn được những cổ phiếu như vậy, đó chính là nghiên cứu những cổ phiếu tăng mạnh nhất đó để ứng dụng vào việc đầu tư. Sau nhiều năm nghiên cứu và đầu tư trên TTCK, chúng tôi đã đúc rút ra “4 đặc điểm của những cổ phiếu tăng mạnh nhất Việt Nam” giới thiệu đến quí nhà đầu tư:
Trong suốt 20 năm hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam đã có không ít những cổ phiếu tăng cả chục đến cả trăm lần như: VNM, TLG, VCS, PTB, CAP, C32.
Thứ nhất: Cổ phiếu được định giá rẻ
Nếu nhà đầu tư sở hữu được những cổ phiếu định giá rẻ thì chỉ riêng việc định giá lại cũng mang đến lợi nhuận khá cao cho chính mình. Ví dụ, trong nhiều năm liền VNM luôn bị định giá thấp hơn so với mức định giá của thị trường cho dù VNM luôn là một doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam xét trên mọi khía cạnh về kinh doanh và tài chính.
P/E của VNM trong giai đoạn từ 2003 – 2013 giao động từ 8 - 13 lần. Tại thời điểm 10/5/2009 chỉ số P/E của VNM chỉ khoảng 10 lần (cách đây 10 năm). Tại ngày 10/5/2019, P/E của VNM đã là 22 lần, tức là chỉ riêng việc định giá lại cũng giúp cổ phiếu VNM tăng hơn 2,2 lần trong 10 năm qua.
Thứ hai: Doanh nghiệp có tăng trưởng cao
Khi lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh sẽ làm cho EPS tăng cao từ đó cùng 1 số nhân P/E cũng làm giá cổ phiếu tăng cao.
Ví dụ, trong giai đoạn 10 năm từ 2008 - 2018, tốc độ tăng trưởng kép doanh thu và lợi nhuận bình quân của VNM lần lượt là: 20,17%/năm và 23,39%/năm, gấp gần 2 lần tốc độ tăng trưởng của ngành sữa với 11,61%/năm trong giai đoạn này. Tức là chỉ trong vòng 10 năm lợi nhuận của VNM đã tăng tới 8,19 lần (tăng 719%).
Thứ ba: Công ty trả cổ tức tiền mặt cao và thường xuyên
Nếu xét trong 1 khoảng thời gian ngắn thì cổ tức sẽ không đáng là bao, tuy vậy trong 1 khoảng thời gian dài với việc dùng chính cổ tức tái đầu tư vận dụng lãi kép thì cổ tức chính là nhân tố mang lại lợi nhuận bằng lần cho các cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất Việt Nam.
Ví dụ, hàng năm lượng cổ tức bằng tiền của VNM luôn trả cho cổ đông giao động từ 50-70% tổng lợi nhuận sau thuế, tương đương với lợi suất trên thị giá dao động từ 5 - 6%, cao gần bằng lãi gửi ngân hàng.
Trong 10 năm từ 2009 – 2019 lượng cổ tức tiền mặt cổ đông nhận được nếu được tái đầu tư vào chính cổ phiếu VNM sẽ mang lại cho họ số tiền lãi gấp 6,34 lần so với số tiền ban đầu bỏ ra.
Thứ tư: Tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao
Để có thể vừa tăng trưởng vừa trả cổ tức tiền mặt cao, thì doanh nghiệp cần có hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu rất cao (ROE).
Đơn cử, VNM có tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu lên đến 40%-55%/năm từ suốt 2008 đến nay, tức là với mỗi 1 tỉ đồng vốn chủ sở hữu Vinamilk sinh lời được 400 – 550 triệu đồng; Hay như Vicostone cũng có ROE từ 40-60%/năm; Phú Tài có ROE khoảng 30-48%/năm …