Nhìn từ vụ lừa đảo 100 container hạt điều: Ai có thế mạnh, người đó có quyền quyết định phương thức thanh toán
Liên quan đến vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam mất quyền kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc trong số 100 container xuất sang Italy, chia sẻ với TTXVN, ông Phạm Văn Hồng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Italy – Việt Nam tại Torino đánh giá đây là một vụ lừa đảo tinh vi.
Về hình thức lừa đảo, bên mua thông qua sơ hở của phương thức thanh toán, với trường hợp này là thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P).
Và thực tế, bên bán để cho bên mua có điều kiện lừa đảo bởi khi đàm phán hợp đồng, có thể bên mua chưa nắm rõ nguồn gốc đối tác hay chưa thẩm định rõ đối tác, hoặc thông qua môi giới, và bên bán hoàn toàn thiếu thông tin đối tác. Đây có thể là nguyên nhân chính để các đối tác nước ngoài có điều kiện lừa đảo.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay có 3 hình thức thanh toán trong xuất nhập khẩu, bao gồm điện chuyển tiền (T/T); Trả tiền nhận chứng từ (D/P); Thư tín dụng (L/C).
Thực tế, L/C là một phương thức an toàn, nhưng chỉ chiếm khoảng 5% tỷ lệ thanh toán trên thực tế đối với hàng nông sản. Còn phương thức T/T, D/P rủi ro hơn nhưng vẫn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Ông Hải dẫn lời chủ một doanh nghiệp: "Biết T/T, D/P là có rủi ro hơn, nhưng cả thị trường đều như vậy. Thế mới có cái gọi là thông lệ quốc tế trong kinh doanh.
Khi lựa chọn các phương thức này, doanh nghiệp cũng phải có thêm một số biện pháp để tăng thêm độ tin cậy của giao dịch.
Ngoài ra, trong hoạt động xuất nhập khẩu thế mạnh đàm phán thuộc về ai (người mua/người bán), người đó sẽ có quyền chọn phương thức thanh toán có lợi về phía mình.
Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải kiểm tra người mua kỹ hơn, qua nhiều kênh thông tin khác nhau.
Và cần giành quyền thuê tàu, vì khi thuê tàu thì doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc nắm lịch trình, trường hợp có xảy ra vấn đề gì thì doanh nghiệp làm việc với hàng tàu thuận lợi hơn.
Trở lại với vụ lừa đảo 100 container điều, ông Hải cho biết bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau.
Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán. Đây là một "lỗ hổng" trong thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp cần tìm cách khắc phục sau vụ việc này.
Về phía phòng thương mại Italy – Việt Nam, ông Phạm Văn Hồng khuyến cáo doanh nghiệp Việt cần chọn phương thức thanh toán quốc tế và các cán bộ ngân hàng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
"Chúng ta không vì việc cần phải xuất khẩu, rồi chấp nhận yêu cầu của bên mua mà theo hình thức thanh toán D/P như vậy là không ổn. Ít nhất bên mua phải chuyển trả trước 30%, phần còn lại 70% thanh toán bằng thư tín dụng (L/C)", ông Hồng nói.
Bởi với phương thức thanh toán này, hàng đến bến cảng bên mua nếu có sự cố thì bên xuất khẩu còn có thể giữ 30% này để trang trải chi phí khi muốn cho hàng quay trở về.
Ngoài ra, việc thẩm định công ty không thể thiếu, thông qua các cơ quan chuyên trách như thương vụ, các phòng thương mại tại nước sở tại để xác minh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/