|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nghiệp vụ nhờ thu là gì và 5 ngân hàng Việt có chịu rủi ro trong vụ lừa 100 container hạt điều xuất khẩu?

10:50 | 14/03/2022
Chia sẻ
Trong phương thức nhờ thu kèm chứng từ, ngân hàng là một đơn vị trung gian giữa các giao dịch, đảm bảo người mua chỉ nhận hàng khi đã thanh toán đầy đủ cho bên bán. Trong trường hợp có phát sinh rủi ro, bên có thiệt hại cần khởi kiện lên Tòa án hoặc Trọng tài.

Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp điều Việt Nam đang "ngồi trên đống lửa" vì đứng trước nguy cơ bị lừa 100 container điều với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD, tương đương hàng nghìn tỷ đồng.

Phía doanh nghiệp cho biết trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua đã gặp vấn đề. Ngân hàng Italy cho biết người mua không phải khách hàng của họ và bộ chứng từ họ nhận được lại chỉ là các bản copy không phải bản gốc. 

Như vậy bộ chứng từ gốc đã bị thất lạc, tiền chưa được thanh toán trong khi theo nguyên tắc bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể gặp hãng vận chuyển để nhận hàng.

Rủi ro đối với doanh nghiệp và rất rõ, còn đối với các ngân hàng thực hiện thì ra sao?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phương thức Nhờ thu kèm chứng từ (Documentary Collection) là một trong những phương thức thanh toán được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường sử dụng.

Nghiệp vụ nhờ thu là gì và 5 ngân hàng Việt có chịu rủi ro trong vụ lừa 100 container hạt điều xuất khẩu - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Có ba hình thức nhờ thu là trả ngay (D/P), trả chậm (D/A) và trả kèm điều kiện (D/OT). Tuy nhiên, hình thức trả ngay được các khách hàng ưu tiên sử dụng.

Người bán và người mua sử dụng ngân hàng như một đơn vị trung gian, đảm bảo. Sau khi giao hàng, người bán gửi bộ chứng từ đến ngân hàng người mua. Ngân hàng chỉ giao chứng từ cho người mua sau khi người mua đã thanh toán tiền hàng.

Với phương thức này, khả năng rủi ro của người bán sẽ thấp hơn vì nếu người mua không trả tiền thì sẽ không thể lấy được hàng. Trong trường hợp đó, người bán không mất hàng, những sẽ mất thêm công sức, chi phí để đưa hàng về hoặc tìm khách hàng khác để bán lại lô hàng đó.

Theo chia sẻ từ giới chuyên môn, các ngân hàng thường tham gia tư vấn từ giai đoạn ký kết hợp đồng, tư vấn lập bộ chứng từ nhằm giảm thiểu rủi ro, đồng hành với khách hàng cho đến khi khách hàng nhận được tiền thanh toán từ ngân hàng nước ngoài. Tuy vậy vai trò của ngân hàng trong phương thức nhờ thu chỉ là thứ yếu - trung gian thu hộ.

Theo Quy tắc Thống nhất về nhờ thu ICC URC 522: Ngân hàng có trách nhiệm xác định các chứng từ mình nhận được là đúng với chỉ thị nhờ thu và thông báo cho bên nhận không chậm chễ. 

Ngoài ra, ngân hàng không có trách nhiệm khác gồm: Hàng hóa có liên quan đến giao dịch; việc lựa chọn dịch vụ của ngân hàng thu hộ; tính chính xác, chân thực của bộ chứng từ cũng như không chịu trách nhiệm về việc thất lạc, cắt xén, mất mát chứng từ khi vận chuyển.

Trường hợp phát sinh rủi ro, các bên có thiệt hại cần khởi kiện lên Tòa án hoặc Trọng tài theo điều khoản trong hợp đồng…

Tại sao không dùng phương thức L/C?

Nhiều câu hỏi đặt ra khi xảy ra vụ việc trên rằng tại sao bên bán không sử dụng hình thức thanh toán Thư tín dụng (L/C), phương thức thanh toán quốc tế an toàn nhất hiện nay?

Giải đáp câu hỏi trên ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng cục Xuất Nhập khẩu, chia sẻ trên trang cá nhân: 

"Không như những gì chúng ta vẫn hình dung khi học về thương mại quốc tế trên ghế nhà trường, L/C là một phương thức thanh toán ít rủi ro nhất, nhưng lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản. Nghe có vẻ phi logic nhỉ! Nhưng đó là sự thực".

Trên thực tế, đối với hình thức L/C, ngân hàng người mua phát hành L/C, với các nội dung chi tiết tương ứng với các điều khoản trong hợp đồng, như một văn bản cam kết trả tiền cho bên bán. Khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ do người bán gửi đến và kiểm tra bộ chứng từ đó phù hợp với quy định trong L/C thì ngân hàng sẽ trả tiền cho người bán.

Để đảm bảo việc thanh toán thì ngân hàng thường yêu cầu người mua phải ký quỹ trước một số tiền nào đó, thậm chí là 100% giá trị của hợp đồng. Do vậy, người mua trong trường hợp này sẽ bị chôn vốn ở ngân hàng. 

L/C là phương thức thanh toán đảm bảo nhất cho người bán, nhưng đồng thời cũng bất lợi nhất cho người mua. Do đó, theo thông lệ quốc tế trong kinh doanh các phương thức như điện chuyển tiên (T/T), nhờ thu kèm chứng từ (D/P),... lại được sử dụng nhiều hơn. 

Ông dẫn lời chia sẻ của một doanh nhân trong ngành cho biết bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán, kể các L/C.

Các doanh nhiệp bị thiệt hại nên làm gì?

Trong vụ việc lần này, Luật sư Davide Galllasso thuộc Văn phòng luật sư Davide Gallasso và cộng sự, người đang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Italy để xử lý vụ việc này, cho biết với TTXVN, phương án tối ưu hiện nay là các công ty Việt Nam có liên quan cần liên kết thành một mối, cùng hành động nhanh chóng để tòa án Italy coi đây là vụ phạm tội nguy hiểm và đưa ra xét xử sớm.

Từ đó, tránh nguy cơ hàng bị các bên khác nhòm ngó và những tổn thất tài chính như phí lưu kho bãi và hàng bị hỏng.

Tất cả các nạn nhân nên tập hợp thông tin chứng từ như hợp đồng, bản copy vận đơn của những lô hàng còn lại gửi ngay cho Thương vụ Việt Nam tại Italy và luật sư. Đồng thời, ký ủy quyền cho luật sư thay mặt làm việc với các cơ quan liên quan của Italy. Liên tục hợp tác cập nhật tình hình và làm theo hướng dẫn của Thương vụ Việt Nam tại Italy và luật sư.

Diệp Bình