Nhìn lại những màn chào sàn giá trị hàng tỷ USD và ngày càng ấn tượng hơn của doanh nghiệp 'họ Vingroup'
Tối 15/8, theo giờ Việt Nam, cổ phiếu VFS của VinFast chính thức khai trương giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Theo Bloomberg, tính đến ngày 16/8, giờ Mỹ, giá trị vốn hóa thị trường của VinFast đã cán mốc 85 tỷ USD, gấp gần bốn lần giá trị vốn chủ sở hữu ước tính ban đầu là 23 tỷ USD.
Với mức giá trị vốn hóa thị trường 85 tỷ USD, VinFast đã lọt vào top 5 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, theo Companies Market Cap.
Chiếu theo mức định giá mà VinFast công bố, hãng xe điện Việt Nam cũng hoàn toàn có đủ khả năng lọt vào top ba nhà sản xuất xe thuần điện lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường. Dù vậy, giá trị vốn hóa thị trường sau phiên giao dịch đầu tiên của VinFast thậm chí còn giúp hãng xe này đạt vị trí cao hơn ước tính ban đầu.
Theo thống kê của Bloomberg, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có thêm 39 tỷ USD tài sản ròng sau khi công ty xe điện VinFast chính thức niêm yết trên Nasdaq vào tối 15/8, giờ Việt Nam. Bloomber cho biết giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tính đến sáng 16/8, giờ Việt Nam, đạt mức 44,3 tỷ USD. Đây là mức tài sản ròng lớn nhất từ trước tới nay của ông Vượng nói riêng và của một tỷ phú Việt nói chung.
Như vậy cổ phiếu VinFast đã có mà ra mắt thành công tại sàn chứng khoán Mỹ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích trong nước, việc một công ty Việt Nam niêm yết trên sàn NASDAQ chứng tỏ các doanh nghiệp Việt dần tiếp cận được các tiêu chuẩn về của khu vực và toàn cầu.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Phân tích của CTCP FIDT nhận định Vingroup là "cánh chim đầu đàn" đã làm được thì sẽ mở đường và tiếp thêm động lực cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp bước niêm yết trên các thị trường khu vực (như Singapore) hay ở Mỹ trong tương lai không xa.
Từ trường hợp của VinFast, nhìn lại những lần niêm yết hai công ty con tầm cỡ khác của Vingroup đều cho thấy những màn chào sàn ấn tượng.
Vincom Retail gia nhập “câu lạc bộ tỷ USD” vào 2017
Vào ngày 6/11/2017, 1,9 tỷ cổ phiếu của Vincom Retail (Mã: VRE) chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Với giá tham chiếu 33.800 đồng/cp, vốn hóa phiên giao dịch đầu tiên đạt khoảng 64.200 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,7 tỷ USD (theo tỷ giá thời điểm đó).
Ngay khi vừa góp mặt trên bảng điện, cổ phiếu VRE đã nhanh chóng trở thành mục tiêu của nhà đầu tư khi tổng khối lượng đặt mua đã lên gần 13,5 triệu đơn vị, trong khi lượng dư bán bằng 0. VRE theo đó tăng trần, lên 40.550 đồng/cp và khối lượng khớp chỉ đạt 300 cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cả phiên đầu tiên chỉ vỏn vẹn 800 đơn vị.
Vincom Retail có tiền thân là Công ty TNHH Vincom Retail được thành lập vào năm 2012. Công ty hoạt động trong lĩnh vực cho thuê các trung tâm thương mại bán lẻ và các dịch vụ liên quan, cũng như đầu tư phát triển và kinh doanh các loại hình bất động sản.
Vincom Retail là thương hiệu bất động sản bán lẻ hàng đầu Việt Nam, giữ vị thế số 1 tại thị trường Việt Nam về mạng lưới và độ phủ với 83 trung tâm thương mại tại 44 tỉnh thành, được phát triển theo bốn mô hình sản phẩm: Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+.
Tính đến 30/6, công ty đang có vốn điều lệ 23.288 tỷ đồng, gấp 8 lần ban đầu (2.944 tỷ đồng). Hai cổ đông lớn gồm CTCP Kinh doanh Thương mại SADO (40,5%) và Vingroup (18,37%) đang sở hữu tổng cộng gần 59% vốn. Trong đó, SADO là doanh nghiệp được tách ra từ CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (Mã: SDI), cũng là một công ty con của Vingroup (Mã: VIC).
Trong khi đó, cổ đông nước ngoài đang sở hữu 32,1% vốn Vincom Retail. Một số cổ đông ngoại có thể kể đến như WP Investments III B.V., Pyn Elite Fund, Credit Suisse Singapore Branch, APG Emerging Markets, RWC Emerging Equities,…
Vào cuối năm 2021, một nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan - chủ yếu là các quỹ trực thuộc RWC Partners - công bố trở thành cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn trở lên của Vincom Retail.
Cụ thể, tính đến ngày 29/12/2021, nhóm 15 tổ chức này hiện nắm giữ tổng cộng hơn 114 triệu đơn vị, tương đương 5% vốn. Lớn nhất là RWC Emerging Equities sở hữu 47,2 triệu cổ phiếu (hiện tại là 46,3 triệu đơn vị, tương ứng với hơn 2% vốn). RWC Partners là một công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Anh.
Tính đến phiên sáng 16/8/2023, VRE đang được giao dịch quanh 31.700 đồng/cp (lưu ý đây là mức giá đã điều chỉnh), vốn hóa thị trường đạt khoảng 72.146 tỷ đồng, tương đương với khoảng 3,1 tỷ USD.
Vinhomes gây dấu ấn với giao dịch tỷ USD đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam
Pha chào sàn Vinhomes (Mã: VHM) cũng ấn tượng không kém. Vào ngày 17/5/2018, 2,68 tỷ cổ phiếu VHM đã chính thức được giao dịch trên sàn HOSE. Giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 92.100 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa thị trường vào khoảng 246.828 tỷ đồng, gần gấp 4 lần Vincom Retail.
Ban lãnh đạo Vinhomes cho biết lựa chọn mức giá này nhằm gia tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cũng như dựa trên quan điểm thận trọng. Trong khi đó, đơn vị tư vấn là Chứng khoán SSI đưa ra mức định giá lúc đó dao động 102.500 - 145.210 đồng/cp.
Do đó, cổ phiếu VHM đã “đắt hàng” ngay khi vừa được đưa vào giao dịch. Nhà đầu tư liên tục chất lệnh mua vào đầu phiên. VHM kết phiên ở giá trần, nâng vốn hóa lên gần 275.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 12 tỷ USD.
Cũng tại phiên 17/5/2018, VHM gây tiếng vang trong giới đầu tư với giá trị giao dịch tỷ USD đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư ngoại đã chi gần 30.740 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,35 tỷ USD để mua cổ phiếu này.
Liên quan đến giao dịch cổ đông ngoại, vào tháng 6/2020, Vingroup cho biết một nhóm nhà đầu tư do KRR đứng đầu, trong đó có Temasek đã hoàn tất mua lại một khoản đầu tư tại Vinhomes. Nhóm nhà đầu tư KKR đã đầu tư tổng cộng 15.100 tỷ đồng (khoảng 650 triệu USD), tương đương khoảng 6% vốn Vinhomes.
Theo nhận định của phía Vingroup, sự kiện này cho thấy Việt Nam vẫn là điểm sáng nổi bật trên thị trường vốn khu vực nhờ triển vọng phát triển và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ; đồng thời cũng chứng minh sức hấp dẫn của Vinhomes với năng lực triển khai dự án, sở hữu quỹ đất lớn...
KKR là một công ty đầu tư toàn cầu hàng đầu, với nhiều hình thức đầu tư đa dạng, bao gồm vốn cổ phần tư nhân, năng lượng, cơ sở hạ tầng, bất động sản và tín dụng, với các đối tác chiến lược quản lý các quỹ phòng hộ. Tổ chức này đầu tư nguồn vốn tích lũy của mình bên cạnh nguồn vốn quản lý, cung cấp các giải pháp tài chính và cơ hội đầu tư thông qua hoạt động kinh doanh trên thị trường vốn.
Giống Vincom Retail, Vinhomes cũng là một thành viên của Vingroup, đóng vai trò là hệ thống kinh doanh bất động sản nhà ở thuộc phân khúc cao cấp của tập đoàn. Một số dự án điển hình của đơn vị này là Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Golden Avenue,…
Tính đến 30/6, công ty đang có vốn điều lệ 43.544 tỷ đồng. Vingroup hiện là cổ đông lớn nhất với sở hữu 69,3%, kế đến là Goverment of Singapore với 5,2% vốn. Về cơ cấu, cổ đông trong nước chiếm 75,8% còn cổ đông nước ngoài chiếm 24,2%.
Bên cạnh Goverment of Singapore là cổ đông lớn, một số cổ đông ngoại khác đang sở hữu tại Vinhomes kể đến như Viking Asia Holdings II Pte.Ltd, PYN Elite Fund, Vietnam Enterprise Investments Limited,…
Trên sàn HOSE, cổ phiếu VHM kết phiên sáng 16/8 tại 62.600 đồng/cp. Vốn hóa thị trường hiện đạt 272.583 tỷ đồng, tương đương khoảng 11,6 tỷ USD, cao hơn 10% so với lúc chào sàn.