Nhiều tổ chức dự báo một đợt tăng lãi suất điều hành có thể xảy ra vào cuối năm
Sau động thái bất ngờ nâng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều chuyên gia nhận định đây là sự mở màn của chính sách thắt chặt tiền tệ từ phía nhà điều hành. Lãi suất tái cấp vốn được nâng từ mức thấp lịch sử 4% lên 5%.
Kéo theo đó là việc loạt ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn, lãi suất tiền gửi tiết kiệm được đẩy lên cao nhất ở mức 8,8%/năm, tại nhiều nhà băng, mặt bằng lãi suất đã quay trở về với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra.
Trong bối cảnh Fed có lập trường sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đồng USD tiếp tục tăng giá kéo theo sự mất giá của nhiều đồng tiền trong đó có VND, nhiều tổ chức tài chính, chuyên gia phân tích cho rằng nhiều khả năng NHNN sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành vào cuối năm.
"Chúng tôi cho rằng có khả năng NHNN sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng hai quý tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,5% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6% vào cuối quý I/2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020", báo cáo của UOB cho hay.
Trước đó, các chuyên gia phân tích của SSI Research cũng cho rằng càng về cuối năm sức ép lên tỷ giá càng lớn. Tỷ giá USD tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh vượt ngưỡng 24.000 VND/USD. Chỉ trong vòng một tháng, NHNN đã nâng tỷ giá bán USD hai lần với tổng giá trị lên tới 525 đồng/USD, khi cung-cầu ngoại tệ trên thị trường chưa có nhiều sự cải thiện.
Trong khi đó, khả năng tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF.
"Về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao và chúng tôi không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá", chuyên gia SSI nhận định.
SSI Research nhận định NHNN sẽ cố giữ thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở vùng 5-5,5%, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.
Trái ngược với các nhận định trên, trong báo cáo ngành mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) lại cho rằng NHNN sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa từ giờ cho tới cuối năm 2022, trong điều kiện Fed tiếp tục tăng lãi suất như trong báo cáo dự báo kinh tế được công bố vào ngày 22/9.
Các chuyên gia của công ty chứng khoán này cho rằng những động thái gần đây của NHNN nhằm tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % là một hành động nhằm đối phó với áp lực phá giá ngày càng tăng đối với đồng VND, chứ không phải là động thái cố gắng làm giảm nhu cầu trước tình hình lạm phát gia tăng.
Đồng thời, nếu tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì trong mức 4% thì NHNN sẽ vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.
Theo ACBS, nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn ghi nhận những yếu tố cơ bản tương đối tốt. Lạm phát vẫn thấp và được kiểm soát dưới 4%; xuất khẩu, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trong khi FDI giải ngân cũng tăng mạnh trong 8 tháng 2022.
Các yếu tố vĩ mô đó sẽ giúp VND nói chung (trong hệ thống ngân hàng và chợ đen) tăng giá và ổn định trong những tháng sắp tới của năm 2022, công ty chứng khoán này nhận định, đồng thời dự báoVND có thể mất giá cao nhất dao động từ 2,5-3% với tỷ giá giao ngaychào bán giao dịch tại NHNN tối đa đạt 23.700 - 23.750 VND/USD.
Chia sẻ trong hội nghị về công tác tín dụng và công tác truyền thông ngày 2/10, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay NHNN đang phải thực hiện nhiều giải pháp mục tiêu trong đó có những mục tiêu mâu thuẫn với nhau.
Nghị quyết Quốc hội yêu cầu ngành ngân hàng phải phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5 - 1%; ổn định thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá; thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%; tổng kết đánh giá đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng,...
"Chúng ta phải điều hành để vừa góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hoàn hoạt động hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối", Thống đốc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thống đốc cho biết trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc đảm bảo an toàn hệ thống luôn phải đặt lên hàng đầu. Mục tiêu chung, căn cơ, dài hạn là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không chỉ cho năm nay mà còn cho các năm sau.