|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều sếp ngân hàng vướng vòng lao lý trong năm qua

09:52 | 01/01/2017
Chia sẻ
Năm 2016 đánh dấu nhiều vụ án liên quan tới các lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng được đem ra ánh sáng.

Hai lãnh đạo của MHB bị khởi tố

Ngày 30/1, hai lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng TMCP Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) bị khởi tố là ông Huỳnh Nam Dũng – nguyên Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Phước Hòa – nguyên Tổng giám đốc MHB.

nhieu sep ngan hang vuong vong lao ly trong nam qua
Ông Huỳnh Nam Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT MHB

Lý do hai cá nhân trên vướng vào vòng lao lý là do vướng vào sai phạm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, kinh doanh tại Công ty chứng khoán MHBS.

Cụ thể, 2 ông sử dụng chính nguồn vốn của Sở giao dịch MHB mua bán lòng vòng trái phiếu Chính phủ của MHB với các công ty trung gian, từ đó chiếm hưởng lợi nhuận từ chính tiền của ngân hàng. Bên cạnh đó, 2 ông này đã sử dụng nguồn vốn trên .

Ngân hàng MHB sau đó đã bị sáp nhập với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); toàn bộ các chi nhánh của MHB trở thành Phòng giao dịch và chi nhánh của BIDV. Sau khi nhận sáp nhập, BIDV đã tăng quy mô tài sản lên 700.000 tỷ đồng

Tính đến hết quý III/2016, quy mô tài sản của BIDV tăng lên gần 947.000 tỷ đồng; tổng lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 4.570 tỷ đồng. Tuy nhiên, có vẻ như sau hơn 1 năm nhận sáp nhập, nợ xấu của MHB vẫn là vấn đề của BIDV khi tổng khối lượng nợ xấu tăng hơn 4.500 tỷ đồng so với cùng kì năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu mở mức 1,96%, tăng 0,5% so với đầu năm.

Tổng giám đốc GPBank bị bắt do thất thoát 5.500 tỷ đồng

Một sếp nhà băng khác bị bắt trong năm qua là ông Phạm Quyết Thắng, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank). Tháng 3/2016, ông Thắng bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát 5.500 tỷ đồng.

nhieu sep ngan hang vuong vong lao ly trong nam qua
Ông Phạm Quyết Thắng - nguyên Tổng giám đốc GPBank

Dưới thời ông Thắng, kết quả kinh doanh của GPBank chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng. Tính đến tháng 4/2015, GPBank ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 12.280 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 9.200 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giảm xuống còn hơn 6.600 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu cao kỷ lục lên tới 45.37%.

Sau khi GPBank bị mua lại với giá 0 đồng, NHNN đã có phương án hỗ trợ GPBank thông qua việc điều chuyển hai thành viên của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) sang nắm giữ các vị trí lãnh đạo tại ngân hàng này. Cụ thể, ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc VietinBank sang làm Tổng giám đốc GPBank, còn bà Trần Thị Lệ Nga, thành viên Ban kiểm soát sang làm Chủ tịch HĐTV.

Nguyên giám đốc chi nhánh Agribank bị khởi tố

Hai người tiếp theo có tên trong danh sách các sếp ngân hàng vướng vào vòng lao lý là ông Trần Văn Phong – Nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Nam Hóa, quận 6 TP HCM và bà Phí Thị Ong, nguyên Giám đốc Agribank - Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn.

Tháng 5/2016, ông Phong bị bắt do có vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra ở Công ty TNHH Đá Tấm xây dựng cao cấp và Agribank chi nhánh Nam Hoa.

Trước đó, vào tháng 2/2016, bà Ong cũng bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố do thiếu trách nhiệm, gây hiệu quả nghiêm trọng cho Agribank - Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn. Được biết, năm 2014, bà đã từng bị khởi tố khi đang giữ chức Giám đốc Agribank Chi nhánh Mạc Thị Bưởi do gây thất thoát trong quá trình cấp tín dụng.

CEO của DongA Bank thất thoát 2.000 tỷ đồng và 62.000 lượng vàng

Ngày 10/12, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công An đã ra lệnh khởi tố và bắt tạm giam ông Trần Văn Bình, cựu Tổng giám đốc và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).

nhieu sep ngan hang vuong vong lao ly trong nam qua
Ông Trần Phương Bình - cựu Tổng giám đốc DongA Bank

Trước đó, ngày 13/8/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt DongA Bank vào trình trạng kiểm soát đặc biệt do những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng của một số cán bộ nguyên là lãnh đạo, quản lý của ngân hàng.

Sau đó, DongA Bank tiến hành kiểm tra quỹ và phát hiện quỹ Hội sở và quỹ Sở giao dịch bị thiếu hụt hơn 2.000 tỉ đồng và 62.000 lượng vàng.

Bước đầu cơ quan điều tra xác nhận, ông Bình đã chỉ đạo bà Vân và một số cá nhân khác ở Sở giao dịch DongA Bank lập khống và duyệt các bộ hồ sơ tín dụng nhằm lấp đầy các khoản thiếu hụt mà ông Bình đã đề nghị rút trái quy định trước đó. Ngày 20/8/2015, ông Bình và bà Vân đã bị đình chỉ công tác tại ngân hàng do có liên quan đến sự việc trên.

Mặc dù 2 cựu lãnh đạo mới bị bắt vì những sai phạm trong kinh doanh nhưng hoạt động tại DongA Bank không chịu ảnh hưởng quá lớn. Tính đến hết tháng 11/2016, tổng huy động vốn của DongA Bank tăng 5% so với cuối năm ngoái. Tín dụng cũng ghi nhận sự tăng trưởng trở lại kể từ tháng 8 năm nay.

Về vấn đề thu hồi và xử lí nợ xấu, tính từ thời điểm bị kiểm soát đặc biệt đến ngày 30/11, DongA Bank đã xử lí được 3.655 tỷ đồng nợ xấu.

Nam Đức