|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà với đất nền khu vực này

11:44 | 12/09/2022
Chia sẻ
Sức cầu chung cùng với thanh khoản thị trường đất nền tại Đà Nẵng và vùng phụ cận chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong thời gian vừa qua.

Đất nền, căn hộ sức cầu thấp

Đất nền Đà Nẵng kém thanh khoản trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa: Văn Luận).

Theo báo của DKRA Vietnam vừa công bố, thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận trong tháng 8 tiếp tục chứng kiến sự ảm đạm.

Cụ thể, nguồn cung mới phân khúc đất nền ghi nhận phân bổ chủ yếu tại Quảng Nam (chiếm 94,6% tổng nguồn cung). Trong khi đó, Đà Nẵng chiếm 5,4% và Thừa Thiên Huế không ghi nhận dự án mở bán mới, hầu hết là các dự án đấu giá từ chính quyền.

Sức cầu chung toàn thị trường vẫn còn khá thấp, chỉ đạt 24% trên tổng nguồn cung mở bán trong tháng, tập trung chủ yếu tại Quảng Nam. Riêng Đà Nẵng không phát sinh giao dịch.

Mặt bằng giá sơ cấp theo đơn vị này tăng khoảng 3–17% so với giai đoạn mở bán trước đó, mỗi giai đoạn cách nhau 3–8 tháng, do dự án đã hoàn thiện về cả hạ tầng và pháp lý so với giai đoạn trước. Trong đó, giá bán đất nền tại Đà Nẵng hiện đang ở mức cao nhất 30 triệu đồng/m2, thấp nhất là 22,5 triệu đồng/m2. Mức giá này tại Quảng Nam lần lượt là 28 triệu đồng/m2 và 11,3 triệu đồng/m2.

Thanh khoản toàn thị trường cũng ở mức thấp do giá bán ngày càng tăng cao, cùng với đó việc tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản của cơ quan quản lý nhà nước, tình hình kinh tế thế giới cũng đang bất ổn với những rủi ro thường trực tác động đến nhà đầu tư, tạo tâm lý e dè, thận trọng hơn.

"Nguồn cung trong tháng tiếp theo dự báo vẫn duy trì ở mức thấp, có xu hướng tập trung tại khu vực Quảng Nam và Đà Nẵng. Tỷ lệ tiêu thụ có khả năng được cải thiện khi các nút thắt về dòng vốn được tháo gỡ", chuyên gia DKRA nhận định.

Với phân khúc căn hộ, sức cầu chung toàn thị trường ghi nhận ở mức thấp, phần lớn là các giao dịch mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp phân khúc căn hộ hạng B và C, đã bàn giao nhà. Mặt bằng giá bán duy trì xu hướng đi ngang so với mức của quý II/2022 ở cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Thống kê của đơn vị này cho biết, hầu hết các chủ đầu tư chủ động dời lịch mở bán sang tháng 9 hoặc quý IV/2022, kéo dài thời gian truyền thông, nhận booking, chờ đợi động thái nới room từ phía ngân hàng nhằm tối ưu hiệu quả bán hàng.

Nguồn cung đưa ra thị trường trong tháng tới dự báo có thể sẽ tăng, chủ đạo là ở các dự án căn hộ hạng sang vị trí tại trung tâm, dọc bên bờ sông Hàn. Tuy nhiên mức tăng không đáng kể và khó có sự đột biến trong ngắn hạn.  

Phân khúc biệt thự, nhà phố cũng ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm mạnh trong tháng 8, tập trung chủ yếu tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Riêng Đà Nẵng không ghi nhận dự án mở bán mới.

Đơn vị này nhận định, vấn đề kiểm soát tín dụng chưa được tháo gỡ đã ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ cũng như kế hoạch bán hàng của các dự án. Hầu hết các dự án mở bán với số lượng căn khiêm tốn. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước trong khi giá bán sơ cấp tiếp tục duy trì xu hướng đi ngang. Thị trường thứ cấp kém sôi động, thanh khoản thấp. 

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn im ắng

Báo cáo của DKRA cho biết, nguồn cung mới phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và vùng phụ cận trong tháng này khan hiếm, cùng với đó là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường tiếp tục trầm lắng. Dự kiến trong những tháng cuối năm, nguồn cung có thể chững lại do những khó khăn chung của thị trường, sức cầu thị trường có thể được cải thiện nhưng khó có sự đột biến. 

Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng không ghi nhận thêm dự án mở bán mới trong 5 tháng trở lại đây. Nguồn cung mới liên tiếp giảm từ 2019 cho đến nay, nguồn cung chủ yếu tập trung tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Thừa Thiên Huế vẫn chưa ghi nhận nguồn cung đối với loại hình này.

DKRA cho rằng, thân khúc này vẫn còn khá mới đối với thị trường khu vực. Bên cạnh đó, việc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng và vùng phụ cận đã qua giai đoạn phát triển nóng, cùng với các chính sách kiểm soát tín dụng, tình trạng trầm lắng của thị trường ở những khu vực có sai phạm tại một số dự án nghỉ dưỡng trước đây cũng góp phần làm nguồn cung ở khu vực này khan hiếm và sức cầu thấp. 

Còn đối với loại hình condotel, nguồn cung không đáng kể và sụt giảm mạnh từ 2019 đến nay, tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng. Riêng Thừa Thiên Huế và Quảng Nam tiếp tục không ghi nhận nguồn cung dự án mới.

Song song với đó, sức cầu thị trường duy trì ở mức thấp, lượng giao dịch hạn chế và có dấu hiệu chững lại. Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục tăng trước áp lực chi phí đầu vào, lạm phát, lãi suất tăng cao. Trong những tháng cuối năm, DKRA dự báo, nguồn cung và sức cầu thị trường duy trì xu hướng đi ngang, tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

Công Tâm