Bất động sản Đà Nẵng chờ ngày phá băng
Thị trường bất động sản Đà Nẵng ghi nhận tình trạng trầm lắng kéo dài trong suốt gần hai năm vừa qua. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đâu sẽ là xung lực giúp thị trường bất động sản địa phương này phục hồi trong thời gian tới.
Tại hội thảo trực tuyến "Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam trong trạng thái bình thường mới" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam đánh giá, trong suốt 5 năm qua, thị trường bất động sản miền trung có các phân khúc đất nền phân lô và bất động sản nghỉ dưỡng với condotel là chủ đạo.
Những phân khúc khác như căn hộ, nhà phố/biệt thự tại thị trường Đà Nẵng ghi nhận nguồn cung khá khiêm tốn, số lượng dự án đưa ra thị trường không nhiều, sức cầu chung toàn thị trường ở mức trung bình.
Chi tiết hơn, trong 9 tháng đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng kép từ đà suy giảm cuối năm 2020 và dịch COVID-19, diễn biến thị trường bất động sản Đà Nẵng và Quảng Nam tuy có khởi sắc nhẹ ở một số phân khúc nhưng nhìn chung vẫn ở trong giai đoạn trầm lắng. Thậm chí, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng gần như chững lại.
Riêng phân khúc condotel tại Đà Nẵng gần như đã ngủ đông khi 9 tháng vừa qua, đia phương này không ghi nhận nguồn cung mới mở bán.
Với phân khúc căn hộ, theo ông Hoàng, trong 9 tháng đầu năm, toàn thị trường Đà Nẵng có 5 dự án mở bán, trong đó có có dự án mới và 3 dự án giai đoạn tiếp, cung cấp cho thị trường khoảng 404 căn, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 70%, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước.
Ở Quảng Nam phân khúc này không ghi nhận phát sinh nguồn cung – tiêu thụ mới trong 9 tháng đầu năm 2021. Đây cũng là một trong những đặc thù và hạn chế của thị trường Quảng Nam.
Tương tự với phân khúc nhà phố/biệt thự, Đà Nẵng chỉ có hai dự án mở bán trong 9 tháng qua, trong đó có một dự án mới và một dự án giai đoạn tiếp, cung cấp ra thị trường khoảng 106 căn. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 88%. Còn Quảng Nam ghi nhận 5 dự án mở bán, trong đó có hai dự án mới và 3 giai đoạn tiếp theo, cung cấp ra thị trường khoảng 197 căn. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 85%.
Ông Hoàng cho biết, dịch COVID-19 dù còn nhiều phức tạp nhưng cơ bản đang từng bước được kiểm soát tốt, kinh tế và xã hội đang có những dấu hiệu bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường. Đây cũng là lúc chuẩn bị để bước vào một giai đoạn phát triển mới của Đà Nẵng và Quảng Nam.
Và để có những bước phá tan sự trầm lắng đó, trước tiên cần có sự tác động từ phía nhà nước và địa phương.
Cụ thể, Đà Nẵng cần nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động du lịch vốn là lợi thế có sẵn và là phần đóng góp quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội,...
Đại diện phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổng Giám đốc khối Sun Property Group đánh giá, Đà Nẵng có vị thể tốt, nằm ở vị trí trung điểm, trung tâm của cả nước, hội tụ đủ yếu tố thu hút các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo bà Linh, bất động sản Đà Nẵng đã qua hai thời kỳ đỉnh cao, có lúc đã xuống đáy và hiện tại, thị trường đang bị đóng băng.
"Sun Group nhận thấy bất động sản khu vực này vẫn gắn liền với phân khúc liên quan đến du lịch, thành phố cần chính sách mở cửa du lịch nhằm làm tiền đề phá băng bất động sản nơi đây, đặc biệt bất động sản nghỉ dưỡng. Năng lực kiểm soát dịch bệnh của Đà Nẵng rất tốt, do đó chúng tôi mong muốn thành phố giữ vững nền tảng này, cũng như phổ cập 100% việc tiêm vắc xin", bà Linh nêu ý kiến.
Vị này còn kiến nghị Luật Đất đai bổ sung thông tin quy định cá nhân người nước ngoài có thể sở hữu, sử dụng đất đai. Đơn cử, Luật Nhà ở cho người nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản trong thời hạn 50 năm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có chính sách gỡ rối cho loại hình condotel.
Về phía lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng nhận định, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong hai năm qua đến kinh tế - xã hội là rất lớn, đặc biệt tới lĩnh vực du lịch. Đối với TP Đà Nẵng, có đến 98% số lượng các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.
"Ngành du lịch của Đà Nẵng sẽ từng bước đón khách du lịch quốc tế trở lại theo lộ trình được hướng dẫn và chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị đón khách quốc tế đến các cơ sở lưu trú đảm bảo an toàn, tạo ra hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy trở lại của thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng", ông Bình cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch, Đà Nẵng có hai tiêu chí để phát triển bất động sản du lịch mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Thứ nhất là Nghị quyết 43 của Trung ương cho Đà Nẵng, trong đó định hướng phát triển du lịch chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng.
Thứ hai là việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng, trong đó quỹ đất dành cho phát triển du lịch cũng như bất động sản du lịch hơn 1.000 ha.