Nhiều chủ thương hiệu không muốn công bố cách phân biệt hàng thật với hàng giả
Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công thương đã gửi báo cáo về tình trạng buôn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lên Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh. Văn bản nêu rõ những nguyên nhân sau.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định nhiều người bán không có kho hàng, cửa hàng, chỉ nhận đặt hàng trực tuyến và phân tán hàng hóa ở nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ hoặc chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian.
"Nhiều khi họ đăng nhiều sản phẩm trên website nhưng thực tế họ chỉ nhận đơn hàng rồi lấy hàng của bên thứ ba và giao cho khách để kiếm lãi", Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.
Với phương thức thanh toán qua thẻ tín dụng, nhiều đối tượng mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài chứ không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam. Ảnh: keynexus.com
Một bộ phận người bán tìm cách vượt qua bộ lọc kĩ thuật của sàn TMĐT bằng nhiều cách - như thay đổi tên sản phẩm. Ví dụ, thay vì đăng tên sản phẩm là NIKE, họ có thể viết tên thành N.I.K.E hay NI_KE khiến bộ lọc của sàn không thể nhận ra.
Nếu đối tượng bán hàng cấm, họ sẽ không đưa hình ảnh thật của sản phẩm, hoặc gọi sản phẩm bằng một tên khác. Chẳng hạn, kẻ bán cần sa có thể gọi hàng là Lá đu đủ hay Cỏ Mỹ. Họ còn có thể tạo nhiều tài khoản để bán sản phẩm.
Nhờ thanh toán qua thẻ tín dụng, nhiều đối tượng mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài chứ không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam, hoặc chỉ lập fanpage hay tài khoản cá nhân để "chạy" quảng cáo. Họ cố tình giấu thông tin, không để lộ số điện thoại, địa chỉ hay bất kì thông tin nào để liên lạc.
Đối tượng có thể đưa thông tin, hình ảnh hàng thật lên sàn thương mại điện tử, web bán hàng, nhưng giao hàng giả, hàng nhái mà bản thân người mua đôi khi không thể phát hiện.
Tâm lí ham rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng của một bộ phận người mua cũng là trở ngại.
Vấn đề từ lực lượng chức năng và chủ thương hiệu
Trình độ kĩ thuật, năng lực nghiệp vụ của cán bộ quản lí và thực thi còn yếu. Trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ chưa thể đáp ứng những thay đổi của công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan tới xử lí vi phạm hàng giả, hàng nhái trong hoạt động TMĐT như Công an, Quản lí thị trường, Hải quan, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bảo vệ người tiêu dùng vẫn hạn chế.
Hơn nữa, sự phối hợp giữa các chủ thương hiệu với cơ quan chức năng cũng còn nhiều điểm bất cập. Chẳng hạn, để xử lí hành vi sản xuất và kinh doanh hàng giả, pháp luật quy định chủ sở hữu thương hiệu phải gửi đơn yêu cầu, đồng thời chỉ rõ các phân biệt hàng thật với hàng giả.
"Các chủ sở hữu thương hiệu không muốn công khai cách nhận biết hàng giả - hàng thật do lo ngại những đối tượng làm hàng giả", Cục TMĐT & KTS nhận định.
Đôi khi cán bộ quản lí khó xử phạt hành chính vì không có đủ căn cứ
Điểm c, khoản 5, Điều 82 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi "Lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, dịch vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh (40-50 triệu đồng).
"Nhưng trong quá trình xử lí vi phạm, cán bộ quản lí thị trường rất khó thực hiện vì chưa có đủ căn cứ áp dụng", Cục TMĐT và KTS thừa nhận.
Hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái rất đa dạng như giả nhãn hiệu đã đăng kí bảo hộ, giả chất lượng, giả mạo tên và địa chỉ thương nhân khác, giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Chúng thuộc phạm vi quản lí của nhiều cơ quan như Công an, Quản lí thị trường, Hải quan. Khi nghi ngờ một website có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng phải kiểm tra, xác minh chứ không chỉ dựa vào thông tin trên mạng.