|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Nhiều áp lực quanh câu chuyện thay công tơ điện tử

06:07 | 27/06/2020
Chia sẻ
Thời gian qua, ngành điện đã thực hiện xử lí kỉ luật, đình chỉ nhiều cán bộ do liên quan đến sai sót ghi sai tiền điện cho người dân.
Nhiều áp lực quanh câu chuyện thay công tơ điện tử - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nhiều ý kiến đặt ra vấn đề các công tơ điện không đạt yêu cầu, hoặc có sự can thiệp để làm sai lệch số liệu. 

Ngày 26/6, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi trao đổi với báo chí để giải đáp rõ hơn những vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, có nhiều ý kiến đặt ra, công tơ điện tử của ngành điện vừa qua không đạt chuẩn và yêu cầu kiểm định. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Chúng tôi phải khẳng định, bất kể thiết bị nào đi nữa thì khi đưa vào sử dụng, đặc biệt là công tơ điện phải đạt chuẩn, tiến hành kiểm định trước khi đưa vào hoạt động trên lưới.

Các nhà sản xuất công tơ, kiểm định đều được cấp phép bởi Bộ Khoa học công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng. Tất cả các công tơ này đi qua đó đều được chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Và khi công tơ điện tử đã đi ra khỏi băng chuyền sản xuất, kiểm định thì được kẹp chì, dán tem cẩn thận.

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán điện cho hơn 93% khách hàng, còn lại do nhiều tổ chức khác bán điện. Và có 800 tổ chức bán điện, EVN chỉ là một trong số đó. Tất cả công tơ này đưa ra không chỉ riêng EVN mà các tổ chức khác cũng sử dụng.

Như vậy, rõ ràng vấn đề sản xuất, kiểm định hoàn toàn tách rời khỏi EVN, được quản lí bằng cơ quan nhà nước, khách quan độc lập với hoạt động của Tập đoàn. Đó là vấn đề kiểm định khi đưa ra thị trường, đảm bảo công tơ chính xác.

Còn khi đưa về hoạt động tại các đơn vị, chúng tôi đều có kiểm định với xác suất nhất định, đủ để đảm bào kiểm soát chất lượng từ nhà sản xuất; đồng thời đảm bảo chi phí tối thiểu không gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất điện.

Như vậy, tôi khẳng định rằng, việc sản xuất công tơ là tách rời khỏi EVN và được hoạt động, quản lí độc lập bởi cơ quan nhà nước về chất lượng sản phẩm. Và hàng năm các công tơ này đều được kiểm định định kì, cũng như thay thế nếu có vấn đề hỏng, lỗi...

Phóng viên: Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, các sai số trong ghi chỉ số điện chủ yếu xảy ra ở các công tơ cơ; do vậy, cần phải gấp rút thay thế toàn bộ công tơ cơ bằng công tơ điện tử, để đảm bảo tính chính xác, minh bạch cho người dân. Quan điểm của ông về vấn đề này như nào?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Việc thay công tơ cơ bằng điện tử là chủ trương của Tập đoàn. Dùng công tơ điện tử có thể nâng cao năng suất lao động và cung cấp thông tin, minh bạch tối đa cho khách hàng, đồng thời hỗ trợ tối đa cho quản lí của tập đoàn.

Hiện nay, theo lộ trình, năm 2025, có 3 Tổng công ty điện lực Thành phố Hà Nội, miền Trung, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lắp đặt 100% công tơ điện tử, các tổng công ty điện lực còn lại sẽ có khoảng 70% công tơ điện tử.

EVN cam kết từng bước hiện đại hóa, đầu tư hạ tầng kĩ thuật để đảm bảo việc thu thập và theo dõi dữ liệu chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng được thuận tiện...

Nếu lộ trình thay công tơ điện tử đặt ra sớm hơn thì sẽ cần nguồn lực tài chính rất lớn, sẽ tạo áp lực với giá điện tại Việt Nam. 

Khi chúng tôi thực hiện hiện đại hóa hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu từ xa, chúng tôi phải giải bài toán làm thế nào để không tạo áp lực lên giá điện, bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm, tác động tới người dân.

Nên hiện nay, Tập đoàn đang áp dụng thay công tơ điện tử để nâng cao năng suất lao động và lấy phần năng suất lao động dôi dư đó tiếp tục đầu tư cho việc thay công tơ điện tử.

Nếu chúng ta ngay lập tức thay công tơ điện tử toàn bộ, sẽ tạo áp lực giá điện; còn nếu giảm chi phí lao động để đầu tư cho công tơ điện tử thì sẽ tạo áp lực lên người lao động. Đây là bài toán khó. 

Tập đoàn vẫn hướng đến là thay công tơ điện tử toàn bộ, vừa nâng cao năng suất lao động mà không tạo áp lực lên giá điện.

Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi: Tại sao thấy hiệu quả thế mà không làm 1 năm, 2 năm mà để quá trình lâu như vậy. Vấn đề này rất mong người dân chia sẻ khó khăn với Tập đoàn về vốn đầu tư, về những áp lực lên giá điện, người lao động...

Phóng viên: Những sai sót trong thời gian qua của các cán bộ ngành điện đã được xử lí ra sao và ông có thể cho biết nguyên nhân của những sai sót này?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Những sai sót trong quá trình ghi, xuất hóa đơn vừa qua là rất đáng tiếc.

Nếu người công nhân ghi sai, họ nhận lương mà ghi sai thì là thiếu sót. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, dưới thời tiết nắng nóng, cường độ làm việc lớn như thời gian qua thì quả thật làm được việc ghi đúng chỉ số 100% là rất khó.

Xử lí các cá nhân này thì chúng tôi vẫn xử lí, không chỉ là công nhân, đặc biệt hơn là các cán bộ, người kiểm soát ở nhà. Những người ở nhà phải đối chiếu từng hóa đơn, nên đôi khi vẫn không tránh khỏi sai sót.

Nhưng rõ ràng, không thể chấp nhận được việc kiểm soát ngồi ở nhà mà để xảy ra lỗi như vậy. Đây là sự gặp nhau không mong muốn của những sai sót. Tôi rất thông cảm nhưng kỉ luật là kỉ luật và chúng ta phải làm nghiêm.

Nhiều nơi, nhiều chỗ cũng cho rằng, ngành điện cố tình ghi sai để hưởng lợi. Vậy ghi sai thế thì ai, khâu nào được lợi? Hiện nay, ngành điện hoàn toàn độc lập các khâu, từ ghi chỉ số, lập hóa đơn, tính toán hóa đơn, thu tiền điện... không có khâu nào móc nối với khâu nào, hoàn toàn hoạt động bằng phần mềm.

Với quy trình như vậy thì không khâu nào được lợi. Ngoài ra, nếu người ghi chỉ số, kiểm soát chỉ số có sai sót, họ cũng đều bị kỉ luật...

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Đức Dũng