|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Tính giá điện ở nước ngoài khác gì so với Việt Nam?

09:31 | 27/06/2020
Chia sẻ
Ở một số nước trên thế giới, người dân có quyền tự do lựa chọn đơn vị cung cấp điện và không phải tính theo cấp bậc. Thậm chí ở Đức, số kWh sử dụng càng cao thì tiền điện càng rẻ.

Khác với ở Việt Nam, EVN là tập đoàn thuộc sở hữu Nhà nước, được phép độc quyền kinh doanh, phân phối điện trong hệ thống quốc gia thì ở một số nước trên thế giới người dân được tự do lựa chọn đơn vị cung cấp cũng như cách tính giá điện.

Không tính theo bậc thang, được lựa chọn đơn vị cung cấp

Ông Tuấn Cường, một người Việt sống tại bang Schleswig-Holstein, Đức cho biết, nước này không quy định khung giá điện mà tuỳ theo từng công ty cung cấp điện. Song, giữa các công ty không chênh lệch giá quá nhiều.

Hiện, mức giá ông mua là 32 cent/kWh, tương đương hơn 7.300 đồng. Ngoài tiền điện, mỗi năm ông phải trả thêm khoảng 100 euro cho tiền cung cấp đường điện và các dịch vụ khác.

"Đặc biệt, các công ty cung cấp điện có nhiều phương án khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện, khi số kWh càng cao, giá tiền càng rẻ", Việt kiều này cho biết.

Trung bình mỗi tháng 3 người nhà ông dùng hết 200 kWh điện, tính ra khoảng 70 euro/tháng (gần 2 triệu đồng) cho hoá đơn tiền điện. "Đến cuối năm, nếu lượng điện dùng ít hơn gói đã đăng ký, tôi sẽ được nhà cung cấp trả lại tiền nộp trước", ông Cường cho biết thêm.

Tương tự ở New Zealand, anh Đ. Đại, người Việt sống tại thành phố Auckland cũng cho biết: "Ở đây, đâu đâu cũng có đơn vị cung cấp điện và nhiều nhất lên tới 20 đơn vị như ở Auckland".

Tính giá điện ở nước ngoài khác gì so với Việt Nam? - Ảnh 1.

Giá điện của một hộ gia đình ở Auckland, New Zealand. Ảnh chụp màn hình.

Theo anh, ở New Zealand có một website để cung cấp thông tin về đơn vị cung cấp điện cho khách hàng so sánh và lựa chọn tuỳ theo mức sử dụng và khu vực. Do có nhiều đơn vị nên sự cạnh tranh rất rõ rệt.

"Hiểu đơn giản, tiền điện tại đây khá giống với cước điện thoại, có nhiều gói để khách hàng lựa chọn", anh nói và cho biết thêm, nếu người tiêu dùng không ưng ý với dịch vụ và giá điện của đơn vị này có thể lập tức đổi sang đơn vị khác. Vì vậy, các nhà cung cấp đều đưa ra nhiều mức khuyến mãi để thu hút người sử dụng.

Hiện, giá điện ở Auckland không tính theo giá bậc thang mà tuỳ theo thoả thuận giữa người sử dụng và công ty. Giá điện thường bao gồm giá tính trên mỗi kWh cùng với phí quản lí hàng ngày và chi phí khác.

Công ty điện nhà anh Đại đang sử dụng có mức giá 18,6 cent/kWh, tương đương hơn 4.100 đồng. Anh đánh giá: "Việc có nhiều đơn vị cung cấp điện sẽ tăng lợi ích và quyền lợi của người tiêu dùng, giá thành sẽ rẻ hơn".

Tuy nhiên, cũng có không ít quốc gia đang áp dụng cách tính giá điện theo bậc thang như ở Việt Nam. Đơn cử, biểu giá điện của Thái Lan quy định hộ sử dụng dưới 150 kWh/tháng có 7 bậc thang lũy tiến, hộ sử dụng trên 150 kWh/tháng giảm còn 3 bậc hay tại Malaysia, biểu giá điện lũy tiến 10 bậc, Philippines lũy tiến 8 bậc,...

Cần 9.000 tỉ để lắp đặt công tơ điện tử

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng vừa qua, có hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên cả nước tiêu thụ điện cao hơn tháng trước đó 30%. Tuy nhiên xuất hiện một số trường hợp tiêu thụ điện vọt lên hàng chục lần.

Tính giá điện ở nước ngoài khác gì so với Việt Nam? - Ảnh 2.

Trong tháng 6, hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng đột biến, gấp 2-4 lần tháng trước. Ảnh: EVN.

Điển hình như một trường hợp ở tỉnh Quảng Bình, mức tiêu thụ điện bị ghi tăng 33 lần, làm số tiền tăng lên 58 triệu đồng. Còn một trường hợp khác ở Quảng Ninh, số tiền bị tính lên đến 90 triệu đồng.

Nhiều người cho rằng, trường hợp bị nhầm số điện có thể do sai số trong khi chốt số công tơ của nhân viên hoặc do công tơ điện bị lỗi.

Hiện, Singapore đã lắp đặt công tơ điện thông minh, cập nhật 30 phút/lần và có cảnh báo khi mức tiêu thụ tăng bất thường qua ứng dụng điện thoại.

Còn tại Việt Nam hiện có gần 27 triệu hộ dùng điện, nhưng mới chỉ 54% dùng công tơ điện tử - loại cho phép ghi số điện tự động.

"Việt Nam cũng nên phổ biến cho tất cả người dân sử dụng công tơ điện thông minh để theo dõi lượng điện sử dụng thường xuyên", chị Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN , việc chuyển đổi này phải theo lộ trình vì cần nguồn lực rất lớn. Hiện chi phí cho một công tơ điện tử khoảng 300.000-700.000 đồng, tuỳ thuộc loại đo gần hay đo xa). Như vậy, nếu áp dụng toàn bộ thiết bị đo điện tử trên cả nước, ước tính EVN sẽ phải chi khoảng 4.000-9.000 tỉ đồng.

Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng cục Thẩm định giá (Bộ Tài chính), cho rằng cách tính bậc giá điện hiện nay khiến việc dùng càng nhiều, mức chi trả càng lớn. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các bậc giá là tương đối hẹp: Bậc 1 là 0-50 kWh, bậc 2 là 50-100 kWh, bậc 3 là 101-200 kWh, bậc 4 là 201-300 kWh, bậc 5 là 301-400 kWh, bậc 6 là cao hơn 400 kWh.

Điều này dẫn đến, nếu người dùng điện chỉ cần tăng sử dụng điện lên một bậc giá, thì tổng số tiền điện sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ dùng điện. Điều này cần phải được thay đổi để phù hợp với mức sử dụng của đại bộ phận người dân.

Do đó, đại diện Bộ Công Thương cho rằng khi đời sống người dân tăng cao, thu nhập tăng lên, cần cải tiến bậc thang tính giá điện. Tuy nhiên, độ rộng bậc thang là bao nhiêu, khoảng cách chênh lệch các bậc giá là bài toán mà Bộ Công Thương cần phải đề xuất thay đổi. Dự kiến bậc giá điện mới sẽ được trình Thủ tướng để sớm ban hành.

Thanh Thương