|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Giá điện tăng cấp số nhân: Có tin được công tơ điện?

06:52 | 27/06/2020
Chia sẻ
'Liệu có sự can thiệp làm cho hóa đơn sai không? Thực tế tất cả số công tơ được lưu hành, phải được kiểm định, dán tem. Nhưng như xăng dầu, các cây xăng được kiểm định, nhưng thực tế có trường hợp dùng chíp điện tử để móc túi người tiêu dùng đó thì sao?', ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng đặt vấn đề khi cùng đi kiểm tra về vấn đề hóa đơn tiền điện, ngày 25/6
Giá điện tăng cấp số nhân: Có tin được công tơ điện? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ðắc Hà, ở nhà số 5, ngõ 265 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) giật mình khi hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi trong tháng 6. Ảnh: Bình Phương

Ngày 25/6, đoàn công tác Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kiểm tra, làm việc tại Công ty Điện lực Thanh Xuân (Thuộc Tổng Cty Điện lực Hà Nội- EVN Hà Nội) về công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị của khách hàng.

Đi cùng đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nói, vừa rồi thấy người dân thắc mắc về tiền điện tăng vọt, ông đã đến làm việc với EVN Hà Nội và thấy họ giải thích khá thuyết phục.

“Tuy nhiên, liệu có sự can thiệp làm cho hóa đơn sai không? Thực tế  tất cả số lượng công tơ được lưu hành, phải được kiểm định, dán tem. Nhưng như xăng dầu, các cây xăng được kiểm định, nhưng thực tế có trường hợp dùng chíp điện tử để móc túi người tiêu dùng thì sao? Cơ quan quản lý dán tem, nhưng có hậu kiểm không?”, ông Hùng nói.

Với vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, về mặt công nghệ, việc tác động để công tơ sai số có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, công tơ khi đưa vào sử dụng được niêm phong, kẹp chì. Hơn nữa, nhìn lại quá trình ghi chỉ số, lập hóa đơn, phát hành hóa đơn, thu tiền và khách hàng trả tiền, nếu công tơ bị sai thì không thấy đối tượng nào được hưởng lợi cả.

“Với cơ chế giám sát chặt chẽ và đảm bảo khách hàng không mất đi đồng xu nào cả. Đầu tiên là nhìn vào chỉ số công tơ. Nếu chỉ số công tơ bất thường thì có thể kiểm tra, đối chiếu ngay với khách hàng”, ông Dũng nói.

Về những nhầm lẫn trong quá trình chốt công tơ điện, Trưởng ban Kinh doanh của EVN cho biết, hiện ở Việt Nam dùng hai loại công tơ là loại cơ và điện tử. Công tơ điện tử sử dụng thiết bị thu thập dữ liệu từ xa, chốt chỉ số công tơ rất chính xác.

“Vấn đề ở công tơ cơ, công nhân phải trực tiếp đến hiện trường đọc công tơ, sau đó ghi chỉ số vào máy tính bảng, đây là quá trình có thể xảy ra sai sót”, ông Dũng nói.

Phạm Anh