|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiệt điện thiếu than giữa vựa than

16:53 | 09/06/2019
Chia sẻ
Nằm ngay ở vùng mỏ than nhưng nhiều nhà máy nhiệt điện, xi măng tại Hải Phòng và Quảng Ninh lại thiếu than sản xuất.

Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng mới đây đã phải dừng hoạt động 1 tổ máy do thiếu than. Nguyên nhân bởi hai nguồn cấp than là Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đều không đủ than cung cấp. Theo hợp đồng thì TKV cung cấp cho nhiệt điện Hải Phòng 2,2 triệu tấn/năm, Công ty Than Đông Bắc cung cấp 1,1 triệu tấn/năm.

Nhiệt điện thiếu than giữa vựa than - Ảnh 1.

Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng mới đây đã phải dừng hoạt động 1 tổ máy do thiếu than. Ảnh: Sửa chữa máy bơm cấp tại nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1

Điện, xi măng “đói” than

Theo ông Dương Sơn Bá – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, mỗi ngày nhà máy này tiêu thụ khoảng 12 – 13 nghìn tấn than/ngày. Thiếu than đã hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này, bởi để khởi động lại tổ máy phải mất 150 nghìn tấn dầu, tương đương với 3 tỷ đồng.

Cùng chung số phận, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cũng phải dừng vận hành 2/4 tổ máy do thiếu than. Theo chỉ định của Chính phủ và Bộ Công Thương, doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng mua bán than với 2 nhà cung cấp là TKV và Tổng Công ty Đông Bắc với công suất mỗi năm “ngốn” khoảng 3,5 triệu tấn than, trong đó nhà cung cấp chính là TKV với 2,6 triệu tấn; Tổng Công ty Đông Bắc là 300.000 tấn.

Thiếu hụt sản lượng tiêu thụ, Nhiệt điện Quảng Ninh đàm phán với TKV về việc cấp bổ sung 10% theo hợp đồng, nhưng do thiếu than nên TKV không thể cấp bổ sung ngoài số lượng than của hợp đồng đã ký.

TKV và Tổng Công ty Đông Bắc lại không đủ than cung cấp nên doanh nghiệp này đã đề xuất Bộ Công Thương cho phép được chủ động tìm kiếm đối tác cung cấp than với khối lượng từ 10-20% để đáp ứng lượng than thiếu hụt.

Việc thiếu than là do các doanh nghiệp nhiệt điện chưa có sự tính toán, dự báo cho việc sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.

Ngoài nhiệt điện, các nhà máy xi măng cũng rất "khát" than. Theo ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng Vissai, trước nhu cầu tiêu thụ than tăng cao, mà nguồn than trong nước có hạn, nguồn cung than cho sản xuất của Vissai trong năm 2018 phần lớn đến từ nhập khẩu. Việc phụ thuộc than nhập khẩu với Vicem cũng tiếp diễn trong năm 2019, nhưng sau 1 năm được "thử sức" với việc này, Vicem đã có kinh nghiệm hơn trong mua than từ thế giới.

"Trước áp lực thiếu than, ngành xi măng đã phải nhập khẩu. Có thời điểm, giám đốc doanh nghiệp thành viên Vicem phải chạy lo than từng ngày sản xuất. Năm 2019, dự báo giá than còn tăng do tác động bởi trượt giá, lãi suất..., nên chúng tôi rất lo" - ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) chia sẻ.

Nước đến chân mới nhảy

Theo Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), trữ lượng than của Việt Nam từng có thời điểm dư thừa nhưng thời gian vừa qua, nhu cầu sử dụng than của các doanh nghiệp tăng cao. Việc nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng loạt cùng một thời điểm, đặc biệt với hàng loạt nhà máy nhiệt điện ra đời đã khiến việc khai thác than không đáp ứng kịp, trong khi năng lực khai thác than của chúng ta vẫn như cũ.

"Cũng có thể còn một số nguyên nhân khác mà cần có sự phân tích cụ thể hơn giữa các doanh nghiệp và bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, tôi cho rằng nguyên nhân cơ bản là do các doanh nghiệp chưa có sự tính toán, dự báo cho việc sản xuất kinh doanh của đơn vị mình" - ông Khải nhìn nhận và cho rằng, thông thường, chúng ta cần có kế hoạch từ 3 - 5 năm từ trước, chứ để "nước đến chân mới nhảy" thì việc thiếu than một phần ở lỗi doanh nghiệp.

Còn theo các doanh nghiệp, cái khó hiện nay là, dù thiếu than nhưng các doanh nghiệp sản xuất xi măng, nhiệt điện lại không được nhập khẩu than trực tiếp phục vụ sản xuất. Theo quy định, các doanh nghiệp chỉ được nhập mua than qua TKV hoặc hoặc doanh nghiệp than thuộc sở hữu Nhà nước.

Đại diện công ty xi măng Hoàng Thạch cho biết, mỗi tháng đơn vị này tiêu thụ khoảng 35 – 38 nghìn tấn than phục vụ sản xuất, tuy nhiên 2 tháng vừa qua sản lượng than TKV cung cấp chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.

"Để đảm bảo sản xuất, các đơn vị mong muốn Nhà nước có cơ chế cho doanh nghiệp chủ động nhập khẩu than từ bên ngoài, thay vì mòn mỏi trông chờ từ TKV hay các doanh nghiệp than khác" - đại diện này đề xuất.

Trung Thành