Mỹ giảm mạnh điện than, Việt Nam tăng nhanh công suất
Đó là những điểm nổi bật của báo cáo “Giám sát các nhà máy điện than toàn cầu: Bùng nổ và thoái trào 2019” do tổ chức Hoà bình xanh (Greenpeace) và Mạng lưới giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor) công bố.
Trung quốc siêu cường điện than, Việt Nam tăng nhanh
Trên quy mô toàn cầu, trong năm 2018, công suất của các nhà máy nhiệt điện than thi công mới giảm 39% so với năm 2017 và giảm đến 84% so với năm 2015. Cùng những móc thời gian trên, công suất được cấp phép hoạt động giảm lần lượt là 20% và 53%. Hoạt động tiền thi công giảm tương ứng 24% và 69%.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện chiếm tới 85% tổng công suất điện than toàn cầu (từ 2005). Nhưng năm 2018 cũng chứng kiến lượng giấy phép cấp cho các nhà máy nhiệt điện than đã giảm kỷ lục ở cả Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2018, tổng công suất các nhà máy điện than được cấp phép đạt 50,2GW. Dẫn đầu là Trung Quốc 34,5GW, Ấn Độ 7,7GW; các nước còn lại chủ yếu là Indonesia, Nhật Bản, Pakistan, Philippines, Nam Phi, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Dù tốc độ cấp phép mới ở Trung Quốc đã chậm lại nhưng Hội đồng Điện lực nước này đề xuất tăng hạn mức công suất điện than lên 1.300GW vào năm 2030; con số tăng thêm so với kế hoạch cũ lên tới 290GW nhiều hơn cả tổng công suất điện than hiện tại của Mỹ là 259GW.
Đối với Việt Nam, trong 5 năm qua công suất điện than tăng 75% tương đương 13GW. “Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong số các nước có quy mô công suất điện than trên 4GW”, báo cáo cho biết. Hiện Việt Nam có tổng công suất điện than đang vận hành là 17GW; trong đó được bổ sung trong năm 2018 là 1,8GW. Bên cạnh đó, Việt Nam đang có tới 33GW đang trong giai đoạn tiền thi công; trong số này đã có 10GW được cấp phép. Vốn hỗ trợ cho các dự án này đến chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đáng chú ý, trong khi các ngân hàng Nhật Bản có chính sách thắt chặt tài chính cho các dự án điện than thì nguồn vốn từ Trung Quốc tăng mạnh, có đến khoảng 14GW điện than được rót vốn từ Trung Quốc.
Kiểm toán chỉ ra nhiều sai phạm tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 Điện mặt trời không được khuyến khích? Dự thảo điện mặt trời mới vẫn ưu ái bên mua
Mỹ tiếp tục giảm mạnh, điện than Ấn Độ chật vật cạnh tranh
Trong năm 2018, tổng công suất điện than ngừng hoạt động trên quy mô toàn cầu gần 31GW. Đây là năm công suất điện than ngừng hoạt động đứng thứ 3 từ trước tới nay. Mỹ là nước dẫn đầu về với việc đóng cửa các nhà máy có tổng công suất 17,6GW; năm 2015 Mỹ từng đóng cửa kỷ lục đến 21GW. Trong năm qua, EU cũng đóng cửa các nhà máy với tổng công suất 3,7GW. Trong đó, Anh chiếm 2,8GW, tỉ trọng điện than của nước này giảm từ mức 39% hồi năm 2012 xuống chỉ còn 5% năm 2018. Hơn một nữa các nước ở EU cam kết chấm dứt sử dụng điện than vào năm 2030.
Xu hướng chuyển sang các dạng năng lượng tái tạo. CTV
Hiện các nhà máy điện than ở Ấn Độ đang phải cạnh tranh với điện gió và điện mặt trời giá rẻ. Gần 1/3 các nhà máy nhiệt điện than của nước này phải tham gia đấu thầu với mức giá thấp hơn chi phí vận hành. Và chi phí vận hành các nhà máy nhiệt điện than của nước này sẽ tiếp tục tăng khi phải tuân thủ các quy định hạn chế tình trạng ô nhiễm sắp được áp dụng. Năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp công suất điện mặt trời và điện gió được bổ sung vào lưới điện quốc gia vượt công suất bổ sung của nhiệt điện than.Trong tương lai gần, vào năm 2027, Ấn Độ lên kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than với tổng công suất lên đến 48GW; chủ yếu là các nhà máy công nghệ dưới tới hạn (subcritical) và không có đủ trang thiết bị để đáp ứng các tiêu chuẩn chống ô nhiễm mới.