Các nhà máy điện than ở Mỹ đang 'tắt dần'
Một nhà máy điện than ở Arizona, Mỹ
Tuần này, các nhà điều hành của hai nhà máy điện than ở Florida và Utah tuyên bố rằng họ sẽ đóng cửa trong một vài năm tới. Tổng cộng có 289 nhà máy điện than ở Mỹ đã cam kết đóng cửa kể từ năm 2010, theo tính toán của Sierra Club, chiếm 40% công suất sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện than. Hiện còn 241 nhà máy điện than ở Mỹ chưa công bố thời hạn đóng cửa.Sierra Club đã xác định 50 vụ đóng cửa và 51 thông báo thời hạn sẽ đóng cửa được đưa ra kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 năm 2017 (đây chỉ là số liệu vì có thể phải mất vài năm từ khi thông báo đến khi đóng cửa thực tế).
Dưới thời Tổng thống Trump, chỉ có một nhà máy điện than mới được mở tại Alaska, cách nay vài tuần, theo Sierra Club.
"Ngành công nghiệp than và các nhà khai thác đang gấp rút thoái lui, bởi vì về mặt kinh tế, than không còn có ý nghĩa nữa", Jonathan Levenshus thuộc Sierra Club nói.
"Những nỗ lực của chính quyền Trump để cứu ngành công nghiệp này không phát huy tác dụng", ông nói.
Kể từ năm 2010, than đã trở nên đắt hơn khi khai thác so với khí đốt tự nhiên, vốn đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ và đang ngày càng thay thế than trong sản xuất điện.
Than chỉ là nguồn cung cấp 25% điện vào mùa hè tới (so với 35% vào năm 2015) và khí đốt tự nhiên sẽ tăng lên 40%, theo một phân tích được công bố ngày 9/5 bởi Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Sản lượng than của Mỹ đã giảm một phần ba kể từ mức đỉnh năm 2008, theo thống kê năng lượng chính thức. Hơn một nửa số mỏ than đã đóng cửa kể từ thời điểm đó.