|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

An Giang đầu tư 15.000 USD để khai thác hơn 3.500 kWh điện mặt trời hàng năm

15:45 | 11/05/2019
Chia sẻ
An Giang hợp tác chuyển dịch năng lượng cùng CHLB Đức, trong đó, hoàn thành và chính thức đưa vào hoạt động hệ thống điện mặt trời tại Sở Công thương là một phần của dự án hợp tác này.

Hệ thống điện mặt trời tại Sở Công thương tỉnh An Giang chính thức được khai thác

Thông tin từ UBND tỉnh An Giang cho biết, ngày 10/5, hệ thống điện mặt trời áp mái được Ban Mecklenburg - Vorpommern tài trợ đầu tiên tại tỉnh An Giang đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.

Với tổng chi phí đầu tư khoảng 15.000 USD, hệ thống điện mặt trời này có công suất 3kWp được thiết kế, lắp đặt trên trên nóc trụ sở toà nhà Sở Công Thương An Giang với 100% thiết bị được nhập khẩu từ CHLB Đức. Đây là một phần trong dự án "Hợp tác chuyển dịch năng lượng" giữa tỉnh An Giang và bang Mecklenburg - Vorpommern ở Đông Bắc của CHLB Đức.

Dự kiến, sản lượng điện phát hàng năm đạt 3.546 kWh, hệ thống sẽ cung cấp điện năng cho tòa nhà của Sở Công Thương tỉnh An Giang, giúp An Giang tránh được lượng phát thải khoảng 2,1 tấn CO2 mỗi năm và trở thành một hoạt động điển hình của tỉnh trong chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch sang lĩnh vực năng lượng sạch.

An Giang đầu tư 15.000 USD để khai thác hơn 3.500 kWh điện mặt trời hàng năm - Ảnh 1.

Hệ thống điện mạt trời tại Sở Công thương tỉnh Anh Giang.

"Khai thác và nhận thức rõ tiềm năng năng lượng tái tạo của tỉnh là một trong những trọng tâm trong kế hoạch phát triển đa dạng các nguồn năng lượng mới. Qua đó, có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao tại địa phương và góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và giảm thải khí nhà kính tại Việt Nam", ông Đoàn Minh Triết Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết.

Ông Rainer Brohm, đại diện Cơ quan Hợp tác phát triển Đức nhấn mạnh: "Hệ thống có một màn hình ở lối vào chính của của tòa nhà Sở Công Thương, thể hiện những thông tin về thông số vận hành thực tế và lợi ích môi trường. Hệ thống này sẽ giúp nâng cao nhận thức về năng lượng mặt trời của người dân tỉnh An Giang và trở thành mô hình tiêu biểu cho rất nhiều dự án điện mặt trời khác sẽ được phát triển tại tỉnh trong tương lai."

An Giang tập trung phát triển nguồn năng lượng mặt trời

Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt Đề án phát triển nguồn năng lượng mặt trời tỉnh An Giang giai đoạn đến 2020, xét đến 2030.

Theo Đề án, mục tiêu xác định đến năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt đạt khoảng 250MWP với sản lượng điện mặt trời tương ứng là 361,4 triệu kWh. Giai đoạn sau năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt lũy kế đạt khoảng 807 MWP với sản lượng điện mặt trời tương ứng là 1.166,7 triệu kWh.

Đề án có tổng vốn dự kiến trên 18.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 đầu tư 5.675 tỉ đồng; sau 2020 trên 12.643 tỉ đồng.

Mục tiêu của đề án nhằm bổ sung nguồn cấp điện để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang trong giai đoạn quy hoạch 2016 - 2025 có xét đến năm 2035.

Ngoài ra, đến năm 2020, mô hình điện mái nhà nối lưới đạt mốc 500 KWp trên toàn tỉnh, phấn đấu năm 2021 phát triển mô hình điện mái nhà nối lưới đạt 2.000 KWp.

Tại tỉnh An Giang, bức xạ năng lượng mặt trời nằm trong khoảng từ 4,7 – 5,1 kWh/m2/ngày. Bức xạ mặt trời nhiều và ổn định trong suốt thời gian của năm, giảm khoảng 20% từ mùa khô sang mùa mưa. Số giờ nắng trung bình năm tại An Giang là 2.400 giờ. Ngoài ra, bức xạ mặt trời còn được phân bố rộng rãi trên toàn địa bàn tỉnh.

Như Huỳnh