Giá điện tối thiểu đắt gấp đôi điện mặt trời
Hệ thống điện mặt trời của một hộ gia đình tại TP HCM. Ảnh: Mai Vọng
Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, giá điện bình quân tăng cao, nhiều hộ gia đình đã chọn giải pháp “tự cung tự cấp” điện nhờ vào nguồn năng lượng mặt trời (hay còn gọi là điện mặt trời) lắp đặt trên mái.
Chi phí lắp đặt giảm gấp 6 lần
Với số giờ nắng trung bình là 300 ngày/năm, miền Nam được đánh giá là khu vực có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời và hiệu quả đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời đạt hiệu suất tối đa. Tuy nhiên thực tế, nhiều người dân vẫn chưa thực sự hiểu các điều kiện, mô hình, cơ chế, hiệu quả và lợi ích của việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng Mặt Trời Đỏ thông tin hiện nay có 3 mô hình lắp đặt điện mặt trời chính là sân thượng mái bằng, mái tôn và mái ngói. Trong đó, sân thượng mái ngói đòi hỏi kỹ thuật khó hơn nhưng giá thành không chênh nhau bao nhiêu. Thông thường, hệ thống điện mặt trời được chia làm 3 gói: 3 Kw, 5 Kw và 10 Kw.
Với gói 3 Kw, tương ứng công suất 3.240 W, số điện sinh ra mỗi tháng là ~360 kWh, giá trọn gói (bao gồm cả bộ inverter chuyển đổi dòng điện) là 70 triệu đồng, cần 20 m2 diện tích lắp đặt. Gói 5 Kw - công suất 5.400 W mỗi tháng sẽ sinh ra ~600 kWh điện, diện tích cần lắp đặt là 32 m2, giá trọn gói 105 triệu đồng.
Hai gói này thường được lắp đặt tại hộ gia đình tùy theo lượng điện tiêu thụ và diện tích sử dụng. Thông thường, những hộ tiêu thụ điện bình quân hằng tháng từ hơn 1 triệu đồng trở xuống sẽ chọn gói 3 Kw. Gia đình có hóa đơn tiền điện từ 2 triệu đồng trở lên phù hợp gói 2.
Gói còn lại 10 Kw, công suất 10.260 Kw, mỗi tháng cung cấp ~1.200 kWh, cần 62 m2 với giá 198 triệu đồng, thường được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất lựa chọn. Thời hạn sử dụng cho 1 hệ thống điện mặt trời từ 20 - 25 năm và chỉ sau khoảng 5 năm có thể thu hồi vốn.
Là người đã có 10 năm theo đuổi công nghệ điện mặt trời, ông Cánh cho biết vào năm 2009, tấm pin điện có giá tới 4 - 6 USD/w, bây giờ chỉ còn 40 cent - chưa tới 1 USD. Do đó nhiều hộ lắp đặt cách đây vài năm hệ thống1 Kw hết khoảng 120 - 130 triệu đồng thì nay cả gói 3 Kw mới hết 70 triệu đồng.
“Có nhiều nguyên nhân giúp giá thành lắp đặt ngày càng giảm. Thứ nhất do trước đây nhu cầu thấp, ít người làm, tấm pin hệ suất thấp và tỷ lệ hư hỏng cao vì kỹ thuật kém. Bây giờ giá điện ngày càng tăng, thời tiết thay đổi khắc nghiệt, yêu cầu bảo vệ môi trường hướng đến cuộc sống văn minh cũng cao hơn nên nhiều người tìm tới điện mặt trời. Có cầu ắt có cung. Pin điện được sản xuất nhiều hơn, năng suất cao hơn, khoa học kỹ thuật tiến bộ nên ít hư hỏng. Chi phí lắp đặt điện mặt trời hiện đã giảm bằng 1/6 so với cách đây 10 năm” - ông lý giải.
Một khách sạn tại quận 5 tận dụng hệ thống điện mặt trời làm mái che để quán cafe trên tầng thượng. Ảnh: H.Mai
Chỉ bẳng ½ giá điện tối thiểu
Giá bán lẻ điện cho hộ sinh hoạt hiện được ngành điện chia thành 6 bậc theo chỉ số sử dụng từ 0-50 kWh, từ 51-100 kWh, từ 101-200 kWh, từ 201-300 kWh, từ 301-400 kWh và từ 401 kWh trở lên. Theo khảo sát của chúng tôi, mức tiêu thụ điện năng với các gia đình trung bình phổ biến là bậc 3 (2.014 đồng/kWh) và 4 (2.530 đồng/kWh).
Trong khi đó, điện mặt trời giá lắp đặt trung bình (theo các gói được giới thiệu ở trên) là 20 triệu đồng/Kw, 1 năm cung cấp được 1.440 kWh điện. Chia cho 20 năm bình quân sử dụng thì giá cho 1 kWh điện mặt trời chỉ hơn 800 đồng, chưa bằng ½ lần giá điện tối thiểu và gần bằng 1/3 lần giá điện trung bình phổ biến của mỗi gia đình hiện nay. Đáng chú ý, giá này không tăng trong suốt 20 năm sử dụng, không “nhảy múa” thất thường như giá điện hiện nay.
Một chuyên gia năng lượng phân tích những bất cập trong việc chia bậc điện càng thể hiện rõ sự tiết kiệm trong sử dụng điện mặt trời. Cụ thể, do mạng lưới điện mặt trời sẽ được đồng bộ với điện lưới có sẵn nhưng ưu tiên sử dụng điện mặt trời trước nên đơn cử, 1 gia đình 1 tháng dùng hơn 400 kWh điện, phải chịu mức giá tính theo bậc cao nhất (gần 3.000 đồng/kWh), lắp hệ thống 3 Kw - 1 tháng sinh ~360 kWh thì chỉ cần đóng tiền cho gần 100 kWh lấy từ lưới điện AC, tương đương bậc 2. Ước tính có thể tiết kiệm tới 1,1 triệu đồng/tháng.
Bộ inverter chuyển đổi dòng điện và đồng hồ đo 2 chiều. Ảnh: H.Mai
Với hộ kinh doanh, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… còn lời hơn. Những đối tượng này hiện sử dụng điện theo 3 giá chia theo từng khung giờ thấp điểm, bình điểm và cao điểm. Trong đó, khung giờ cao điểm là từ 9 rưỡi - 11 rưỡi, mức giá điện cao nhất. Đây cũng là thời điểm nhiều nắng nhất nên hoàn toàn chi phí cho số điện bậc cao nhất này sẽ được tiết giảm nếu sử dụng điện mặt trời.
Cũng theo ông Diệp Bảo Cánh, hiện nay ngành điện đã có chính sách mua lại điện mặt trời của từng hộ gia đình theo dạng “dư tức thì”. Nghĩa là bất cứ lúc nào (cuối tuần doanh nghiệp nghỉ hoặc khi gia đình đi làm không ở nhà) điện dư không sử dụng sẽ được đẩy ngược lên lưới điện, đồng hồ điện 2 chiều do công ty điện lực lắp đặt sẽ ghi nhận và trả lại tiền tương ứng. Đồng hồ 2 chiều hiện được công ty điện cung cấp, lắp đặt miễn phí nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện mặt trời.