|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiên liệu sản xuất điện của Việt Nam sẽ khan hiếm khi tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc vẫn trầm trọng?

17:30 | 07/10/2021
Chia sẻ
Khủng hoảng điện tại Trung Quốc không chỉ làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, thiếu điện còn có thể đặt ra những trở ngại mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành điện.

Chi phí sản xuất, mua điện tăng cao

Tại Việt Nam, nhiệt điện than đang là nguồn cung cấp điện chủ đạo, chiếm khoảng 36% tổng công suất điện lắp đặt, với nguồn than nhập khẩu chủ yếu từ Indonesia, Nga và Trung Quốc. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu hơn 27,3 triệu tấn than các loại, trị giá gần 2,8 tỷ USD.

Riêng Indonesia chiếm tỷ trọng cao nhất hơn 42% về lượng và gần 34% về giá trị, tương đương hơn 11,5 triệu tấn than, giá trị 935,3 triệu USD. 

Giá nhiên liệu sản xuất điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng khi tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc vẫn trầm trọng? - Ảnh 1.

(Nguồn: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Trong khi đó, Trung Quốc lại đang đẩy mạnh gom hàng từ Indonesia do nguồn cung thiếu hụt trong khi nhu cầu sản xuất điện và sưởi ấm trong mùa đông tăng cao khiến giá than đạt ngưỡng kỷ lục.

Người đứng đầu nhà khai thác than lớn nhất Philippines ông Isidro Consunji, Chủ tịch của Semirara Mining & Power Corp cho biết giá than do Semirara sản xuất đã tăng gấp đôi lên mức 110 USD/tấn so với mức 50-65 USD/tấn trong quý II. 90% lượng than xuất khẩu của Simirara là bán cho Trung Quốc.

Tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc với nguyên nhân chủ yếu từ việc thiếu hụt nguồn cung than cũng như giá than tăng cao khiến nhiều nhà máy tại Trung Quốc bị gián đoạn hoạt động, điều này khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào của một số nước lo ngại bị liên đới.

Thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết ngay từ tháng 7 giá nhiên liệu dùng để sản xuất điện đã tăng cao hơn rất nhiều, đặc biệt là giá than.

Cụ thể mức giá nhập khẩu than đã tăng từ 98,8 USD/tấn bình quân 6 tháng đầu năm lên đến 150 USD/tấn bình quân tháng 7 và 159,7 USD/tấn trong 10 ngày đầu tháng 8. Mức giá này tăng đến 250% so với số liệu bình quân thực hiện năm 2020.

Không chỉ giá than, giá dầu HFSO bình quân tháng 7 cũng tăng cao với mức 68,3% so với số liệu thực hiện bình quân năm 2020.

Đặc biệt, kể từ cuối tháng 9, tình trạng cắt điện luân phiên ở Trung Quốc đã lan ra tại nhiều tỉnh, thành. Việc thiếu điện không những nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào phải cắt giảm công suất hoặc dừng hoạt động. Điều này càng khiến khả năng giá các loại nhiên liệu sản xuất điện sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Chia sẻ với người viết, ông Trịnh Mai Phương, Trưởng ban Truyền thông EVN, cho hay trong tháng 9 và các tháng tới, giá nguyên liệu đầu vào có tăng nữa hay không vẫn chưa biết được do nó phụ thuộc vào diễn biến của thị trường và cần có sự theo dõi liên tục.

Nhưng các thông số giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN, nhất là các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường. Bởi lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số của tất cả các loại hình nguồn phát trong hệ thống điện quốc gia.

"Với mức tăng như tháng 7, tháng 8 vừa qua thì theo tính toán sơ bộ, chi phí mua điện của EVN năm 2021 có thể tăng tới khoảng 16.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020", ông Phương cho biết.

Đồng thời nói thêm rằng hiện tại lượng điện mua từ các nhà máy vẫn ổn định do nguồn nguyên liệu đã được thu mua từ trước nhưng thời gian tới khi chi phí tiếp tục tăng cao thì khả năng nguồn điện mua từ các nhà máy sẽ khan hiếm.

Nhu cầu nhập khẩu điện Trung Quốc có tăng theo?

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng tăng cao trong mùa khô, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào cho dù sản lượng nhập chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Số liệu của EVN cho biết lượng điện nhập khẩu các tháng đầu năm 2021 có xu hướng tăng liên tục bất chấp dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp

đ - Ảnh 1.

(Nguồn: EVN. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Tuy nhiên, theo ông Phương: "Đó chỉ là lượng điện nhập khẩu tối thiểu theo theo hợp đồng dài hạn đã ký, còn thời điểm này EVN không có nhu cầu tăng mua điện từ Trung Quốc.

Đặc biệt, tỷ trọng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc không lớn và dù giá nhiên liệu sản xuất điện tại quốc gia này có tăng thì giá bán điện đối với Việt Nam vẫn không thay đổi vì đã cam kết theo hợp đồng mua bán".

Cụ thể, theo Dự thảo Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giá mua điện bình quân từ Trung Quốc hiện là 1.281 đồng/kWh, rẻ hơn giá mua điện bình quân trong nước là 1.486 đồng/kWh.

Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc với tổng công suất trên 450 MW, ngoài ra nhập khẩu điện từ Lào với tổng công suất khoảng 572 MW. Tổng công suất nhập khẩu chiếm chỉ khoảng 1,6% trong tổng công suất của toàn hệ thống điện là 55.880 MW.

Theo đó, đánh giá về tác động của tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc, đại diện EVN cho rằng: "Hiện nay tình trạng này vẫn chưa ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, còn thời gian tới khả năng việc thiếu điện đẩy giá nguyên liệu tăng cao sẽ tiếp diễn nhưng tác động cụ thể như thế nào vẫn chưa tính toán được".

Như Huỳnh