|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc chật vật vì thiếu điện, chuỗi cung ứng nguyên liệu của Việt Nam có bị gián đoạn?

08:15 | 06/10/2021
Chia sẻ
Thiếu điện tại Trung Quốc khiến các nhà máy phải cắt giảm sản lượng, đặt ra rủi ro mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn dĩ đã có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tại Việt Nam, thị trường nhập khẩu nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, sẽ chịu tác động như thế nào từ tình trạng này?

Thiếu điện tại Trung Quốc khiến sản xuất bị thu hẹp

Theo Bloomberg, Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới buộc phải tiết kiệm năng lượng bằng cắt giảm sản lượng.

Sự gián đoạn xảy ra đúng lúc các nhà sản xuất và hãng vận tải phải chạy đua để đáp ứng nhu cầu cho mùa mua sắm cuối năm. Cùng lúc, chuỗi cung ứng thế giới đã bị xáo trộn bởi giá nguyên liệu thô tăng vọt, chậm trễ kéo dài tại cảng biển và thiếu thốn cointainer vận chuyển.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cảnh báo những biện pháp nghiêm khắc để cắt giảm điện tiêu thụ sẽ làm giảm mạnh sản lượng tại những trung tâm kinh tế như Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông và có thể đẩy giá cả lên cao. Ba tỉnh này đóng góp tới gần 1/3 GDP của Trung Quốc.

Các chính quyền địa phương đang ra lệnh cắt điện nhằm cố gắng đạt chỉ tiêu cắt giảm cường độ năng lượng và khí thải. Một số thì thực sự đối mặt với tình trạng thiếu điện.

Khủng hoảng năng lượng giáng đòn vào kinh tế Trung Quốc, chuỗi cung ứng nguyên liệu của Việt Nam có bị gián đoạn? - Ảnh 1.

Nhiều nhà máy sản xuất ở Trung Quốc lâm vào cảnh điêu đứng trước tình cảnh thiếu hụt năng lượng. (Ảnh: CNN).

Theo CNBC, một cuộc khảo sát Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào ngày 30/9 cho thấy chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 9 là 49,6, giảm so với mức 50,1 của tháng 8. Theo thang PMI, mốc điểm dưới 50 cho thấy sự suy thoái trong hoạt động sản xuất.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chứng kiến sự thu hẹp hoạt động sản xuất sau 18 tháng tăng trưởng liên tục, kể từ tháng 2/2020. NBS cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái nói trên xuất phát từ việc các nhà máy đang suy yếu do chi phí năng lượng tăng cao. 

Thực tế, tình trạng thiếu hụt điện tại Trung Quốc xảy ra do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là do Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Australia vì căng thẳng địa chính trị leo thang. Trong khi đó, mùa đông lạnh kỷ lục đã làm gia tăng nhu cầu về than. Điều này khiến giá than tăng mạnh.

Trung Quốc đang phải trả giá đắt cho các chính sách hạn chế sản lượng và nhập khẩu than trong nước, đồng thời dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhiên liệu vốn vẫn là nguồn cung cấp phần lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Reuters đưa tin.

Để giải quyết bài toán, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu và thúc đẩy sản lượng trong nước trong những tháng tới. Tuy nhiên, Trung Quốc đang gặp vấn đề cả từ nguồn cung trong nước và quốc tế.

Tháng 12/2020, Trung Quốc sản xuất gần 352 triệu tấn và sau đó giảm dần. Đến tháng 7 năm nay, sản lượng chỉ còn hơn 314 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019. Đến tháng 8, sản lượng lên mức 335,2 triệu tấn nhưng vẫn thấp hơn so với tiềm năng của nước này.

Lượng than nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm giảm 10,3% so với cùng kỳ 2020, chỉ đạt 197,7 triệu tấn. Riêng tháng 8, mức nhập khẩu hơn 28 triệu tấn, giảm từ mức 30,2 triệu tấn trong tháng 7.

Lượng nhập khẩu thấp nhưng giá than lại tăng do Trung Quốc có chính sách cấm mua than từ Australia, quốc gia cung cấp than lớn thứ hai cho Trung Quốc với khoảng 60% được sử dụng cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp như xi măng và khoảng 40% than cốc được sử dụng để sản xuất thép.

Tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 9,8 triệu tấn từ Australia nhưng kể từ tháng 1 năm nay, con số gần như bằng 0.

Để bù lại thiếu hụt từ Australia, Trung Quốc mua than từ Indonesia, Nga, Nam Phi và Mỹ. Tuy nhiên, giá than đã tăng rất cao. 

Giá than Indonesia cũng cao kỷ lục và Trung Quốc phải đua với Ấn Độ để mua từ Indonesia. Loại than 4.200 kcal/kg trong tuần tính đến 24/9 ở mức 91,3 USD/tấn, cao gấp 4 lần so với mức thấp nhất trong 2020.

Nhà sản xuất Việt Nam có bị tác động?

Cuộc khủng hoảng năng lượng giáng đòn vào nền kinh tế thứ hai thế giới, có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu thì liệu nó có tác động đến thị trường láng giềng như Việt Nam?

Trả lời câu hỏi này, tại buổi họp báo thường ký tháng 9, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết trên thực tế, giá một số nguyên liệu đầu vào cho ngành điện cũng như việc cắt giảm khí thải của Trung Quốc đã gây ra việc thiếu điện dẫn đến một số ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có các sản phẩm về nguyên liệu cung ứng đầu ra cho thị trường cũng bị giảm sút.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương chưa ghi nhận việc các doanh nghiệp trong nước phản ánh thiếu nguyên liệu đầu vào.

Ông Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ, trên thực tế nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát lần đầu vào năm 2020. Việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào từ dệt may, da giày cũng như các sản phẩm cung cấp cho ngành công nghiệp nặng cũng đã được các doanh nghiệp có kinh nghiệm ứng phó và dần thích nghi.

Khủng hoảng năng lượng giáng đòn vào kinh tế Trung Quốc, chuỗi cung ứng nguyên liệu của Việt Nam có bị gián đoạn? - Ảnh 2.

(Ảnh: financialtribune.com)

Bên cạnh đó, với lần tái dịch bệnh lần 3, 4 diễn ra trong thời gian qua, năng lực của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước cũng từ đó bị giảm sút, thậm chí có những doanh nghiệp của 19 tỉnh phía Nam phải dừng hoạt động. 

Chính vì vậy, nhu cầu nguyên liệu đầu vào hiện nay chúng ta chưa thấy rõ sự thiếu hụt và các doanh nghiệp cũng chưa đề cập đến vấn đề này.

"Về lâu dài, một số mặt hàng, chẳng hạn như mặt hàng thép trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được như thép xây dựng, chúng ta không lo ngại về vấn đề lệ thuộc vào các nước bạn. Một số ngành khác với những biến động ngắn hạn như vừa qua từ phía Trung Quốc thì trong thời điểm này cũng chưa thể đánh giá việc ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào của Việt Nam", Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Thành khẳng định.

Tuy nhiên, chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP HCM, cho biết 80% nguyên liệu của ngành cao su nhựa nhập từ Trung Quốc. Trong ngắn hạn, việc thiếu điện từ Trung Quốc chưa ảnh hưởng lớn đến nguồn cung nguyên liệu trong nước do hàng tồn vẫn còn và các đơn hàng đặt mua trước 2-3 tháng vẫn đang trên đường cập cảng với giá chưa tăng.

"Nhưng hiện đã có một số nhà cung cấp thông báo sẽ tăng giá 5-10% so với giá cũ cho các đơn hàng mua từ giờ đến hết quý VI, nên tình huống vừa thiếu nguyên liệu vừa chịu giá cao là khó tránh", ông Quốc Anh cho hay.

Cũng theo Hội Cao su nhựa TP HCM với tình hình tăng giá từ nhà cung cấp Trung Quốc doanh nghiệp buộc phải chấp nhận vì nếu thay đổi nguồn cung sang các thị trường như Mỹ hay châu Âu thì giá cũng sẽ cao hơn rất nhiều.

"Nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc có hai lợi thế là giá rẻ hơn so các thị trường khác và hàng từ Trung Quốc về Việt Nam cũng gần, nhanh hơn hơn các nước như Mỹ, châu Âu, do đó, việc tìm nguồn cung cấp khác cũng phải tìm nhưng sẽ khó hơn so với việc chấp nhận từ Trung Quốc", ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.

Còn với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho hay tình trạng thiếu điện của Trung Quốc sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may nhưng tỷ lệ không nhiều.

"Với khoảng 45% nguồn nguyên liệu được nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ... Việc thiếu điện của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các hợp đồng nguyên liệu mà doanh nghiệp Việt Nam đã ký cũng như thời gian giao hàng với tỷ lệ khoảng 10-15% nguồn nguyên liệu đầu vào.

Ngoài ra, nguồn nguyên liệu vốn nhập khẩu để sản xuất các đơn hàng trong các tháng trước vẫn còn tồn đọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên trong các tháng cuối năm, vấn đề nguồn nguyên liệu cũng không quá khó khăn với ngành dệt may", ông Giang chia sẻ.

Như Huỳnh

[LIVE] ĐHĐCĐ Khang Điền: Mở bán khu thấp tầng dự án liên doanh với Keppel Land từ cuối năm 2024, kinh doanh giai đoạn 1 KCN Lê Minh Xuân vào năm 2025
Theo kế hoạch năm nay, Khang Điền sẽ mở bán các sản phẩm nhà phố, biệt thự ở TP Thủ Đức và chuẩn bị đưa vào kinh doanh khu công nghiệp khi điều kiện thuận lợi.